Xã hội
Sơn La: Đẩy mạnh phòng chống tệ nạn xã hội
02:13 PM 09/02/2017
LĐXH - Năm 2016 vừa qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Sơn la tiếp tục được giữ vững, ổn định các loại tội phạm và phạm pháp hình sự giảm so với những năm trước, tuy nhiên hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy vẫn nhiều diễn biến phức tạp; đối tượng nghiện ma túy tổng hợp, đặc biệt là ma túy đá tăng đáng kể; hoạt động mại dâm trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn xảy ra.

Trước diễn biến của tình hình tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sơn La đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh, đồng thời  bám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nghành về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội. Theo đó, đơn vị đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện đổi mới công tác cai nghiện ma túy theo Đề án và Kế hoạch của UBND tỉnh. Tính đến hết năm 2016, tỉnh đã giải thể 08 Trung tâm, hiện có 04 Trung tâm, cụ thể: 01 Trung tâm điều trị nghiện ma túy tự nguyện (Trung tâm Giáo dục -  Lao động Thành phố chuyển đổi thành Trung tâm  điều trị nghiện ma túy tự nghiện từ năm 2013), 03 Trung tâm điều trị nghiện ma túy đa năng, các Trung tâm này hiện nay đã được Sở Nội vụ trình UBND tỉnh để quyết định đổi tên thành Cơ sở điều trị nghiện ma túy; có 14 cơ sở điều trị Methadone, 10 cơ sở ở các huyện, thành phố và  02 cơ sở điều thuộc Cơ sở cai nghiện.

 Công tác cai nghiện ma túy được các cấp ngành phối kết hợp để triển khai theo Nghị định 221/NĐ-CP. Địa phương đã cai nghiện tự nguyện cho 199 học viên, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng cho 653 người, lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 1.710 người nghiện ma túy, Tòa án nhân dân cấp huyện đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 957 người. Hiện toàn tỉnh đang còn 8.139 người nghiện có hồ sơ quản lý.

Phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống ma túy (Ảnh minh họa)

Thực hiện Quyết định 361/QĐ-TTg ngày 7/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu với UBND tỉnh Ban hành Kế hoach thực hiên Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, đồng thời hướng dẫn các huyện, thành phố và các ngành chức năng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 và năm 2016. Năm 2016 đã có 100% các ngành liên quan và UBND các huyện thành phố xây dựng kế thực hiện công tác phòng chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng chống mại dâm theo kế hoạch đã ban hành.

Đối với công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Sơn La đã xây dựng các kế hoạch thực hiện: Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016- 2020; các nội dung có liên quan trong việc thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Lào về phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhận bị mua bán giai đoạn 2016 – 2020; Hiệp định giữa Việt Nam - Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2016; tuyên truyền đường dây nóng phòng chống mua bán người 18001567.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thuộc lĩnh vực xã hội còn có những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể:

-  Đối với công tác cai nghiện ma túy: Người nghiện ma túy phải áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính lại quy định chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên; Thời gian cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được quy định tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP là từ 6-12 tháng, nhưng thời gian quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP là từ 3- 6 tháng; Luật phòng, chống ma túy có quy định áp dụng biện pháp quản lý sau cai, nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính lại không quy định; Người nghiện và gia đình họ không tự giác khai báo tình trạng nghiện và không hợp tác với cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ cai nghiện.

- Về phòng, chống mại dâm:  Việc rà soát, thống kê số người bán dân gặp rất nhiều khó khăn, do còn có sự kỳ thị từ cộng đồng và sự kỳ thị của người bán dâm nên không thể triển khai các hoạt động quản lý, giúp đỡ và các dịch vụ hỗ trợ; Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành nhất là cấp cơ sở trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm thiếu chặt chẽ thường xuyên...

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thuộc lĩnh vực phong, chống tệ nạn xã hội, Sở lao động - Thương binh và xã hội Sơn La đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị với Quốc hội xem xét sửa đổi các văn bản luật về nội dung liên quan đến công tác phòng, chống ma túy tránh chồng chéo hoặc không khả thi; Kiến nghị với Chính phủ sửa đổi quy định về cai nghiện tự nguyện và ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho người cai nghiện tự nguyện. Đồng thời, kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện theo Quyết định số 1640/QĐ-TTG ngày 118/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan sớm có các văn bản hướng dẫn liên tịch về công tác điều trị nghiện ma túy để các địa phương thống nhất trong việc thực hiện.

Trần Huyền