Giáo dục - Nghề nghiệp
Sôi động sân chơi trình diễn kỹ năng nghề Quốc gia
04:26 PM 06/10/2020
(LĐXH)- Kỳ thi Kỹ năng nghề Quôc gia lần thứ XI được coi là "sân chơi" sòng phẳng và khách quan để các bạn trẻ trình diễn kỹ năng nghề đã được học tập, rèn luyện trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước…
Đây là một trong những ý kiến nhận xét của Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Tấn Dũng trong buổi kiểm tra, động viên thí sinh dự thi tại một số Hội đồng thi Kỳ thi Kỹ năng nghề Quôc gia lần thứ XI trên địa bàn thành phố Hà Nội vào ngày 6/10/2020.
Kỳ thi Kỹ năng nghề Quôc gia lần thứ XI sẽ là "sân chơi" trình diễn kỹ năng của các bạn trẻ 
Nhân lực sẽ được coi trọng
Báo cáo với đoàn kiểm tra của Bộ Lao động – TBXH, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Phó chủ tịch Hội đồng thi số 2, cho biết: Hội đồng thi số 2 hội tụ 44 thí sinh thi, với 3 môn thi là lễ tân, dịch vụ nhà hàng và nấu ăn với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, từng tham gia kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới. Hội đồng thi đã huy động lực lượng gần 400 người phục vụ công tác thi lần này. Do sự dịch chuyển thời gian tổ chức thi vì dịch bệnh Covid-19 nên tâm lý cán bộ, nhân viên cũng có chút xáo trộn, nhà trường cũng phải mượn một số trang thiết bị phải từ các khách sạn nhằm đạt chuẩn 4 sao.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng động viên các bạn trẻ dự thi nghề lễ tân và khách sạn
Theo ông Trịnh Cao Khải, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội thành lập 50 năm, cơ sở vật chất, tiền thân thuộc Bộ Công an. Năm 1982 chuyển về Tổng cục Du lịch, đến nay là đơn vị sự nghiệp Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Thuận lợi là nhà trường có nhiều chuyên gia, giáo viên hiểu rõ nội dung thi tay nghề cả khu vực và thế giới, nên đã lan toả tới cán bộ, giáo viên. Đặc biệt là sự ủng hộ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – TBXH) và sự chỉ đạo của Bộ chủ quản, tới nay cơ sở vật chất cũng mọi điều kiện phục vụ kỳ thi tương đối thuận lợi và đang "chạy đúng đường".
Về công tác tuyển sinh của nhà trường, Hiệu trưởng Trịnh Cao Khải, thông tin thêm: So với một số năm trước, du lịch đang rất phát triển, nên đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp, nhiều khi không đáp ứng được hết. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh Covid-19 nên tâm lý chọn ngành, nghề thì cũng ảnh hưởng ít nhiều, tới nay mới tuyển sinh đạt 95 - 97% trên tổng số 2.300 chỉ tiêu.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng kiểm tra nghề thi nấu ăn tại Hội đồng thi số 2
Tại buổi làm việc với Hội đồng thi số 2, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, đánh giá: Hội đồng này có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, Trước đây, các nghề lễ tân, dịch vụ nhà hàng và nấu ăn đã từng đóng góp nhiều huy chương vàng và chứng chỉ xuất sắc trong các kỳ thi.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, cho rằng: Du lịch được xác định là ngành mũi nhọn, đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế. Bởi lẽ, một quốc gia hay địa phương, trong cơ cấu kinh tế có 3 khu vực (nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ thương mại). Dù thời gian gần đây bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng không vì thế mà nó làm giảm sức ảnh hưởng của ngành dịch vụ thương mại. Quốc gia nào phát triển được dịch vụ du lịch thì mới phát triển mạnh được. Tương lai, ngành du lịch đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn.
Các bạn trẻ hào hứng trình diễn kỹ năng nghề được học tập, đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
"Trong bối cảnh dịch Covid -19 có thể nhân lực du lịch sẽ phân tán, nhưng khi khống chế được dịch bệnh này, nhân lực sẽ được coi trọng đầu tiên. Nhiều quốc gia, ngoại ngữ rất quan trọng. Do đó, chúng ta cần bố trí thời gian, thời lượng cho hợp lý, du lịch của Việt Nam cần ngành đúng nghĩa là ngành mũi nhọn. Chính vì vậy, trong công tác đào tạo, ngoài việc tăng cường kỹ năng, cần phải tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho lao động làm du lịch…" - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, nhận định.
Kỳ thi công tâm và khách quan
Hội đồng thi số 5 (Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội) đăng cai 11 nghề với 122 thí sinh dự thi. Tới thời điểm chuẩn bị khai mạc, mọi cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên phục vụ cho công tác thi đã hoàn tất. Hội đồng thi số 5 có 28 đoàn dự thi, nhà trường bố trí nơi ăn ở chu đáo.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị tại các Hội đồng thi
Khái quát với đoàn kiểm tra về hoạt động của nhà trường, Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh, cho biết: Trường có quy mô đào tạo trên 5.000 học sinh, sinh viên với 32 nghề. Nhà trường luôn cam kết 100% sinh viên ra tường có việc làm, ký cam kết với từng sinh viên ra trường có mức lương từ 5 - 15 triệu đồng/tháng. Trường đã đưa 10 nghề theo chương trình quốc tế vào đào tạo, tới đây tiếp tục đưa nghề theo chuẩn Nhật vào đào tạo.
Các bạn trẻ tham dự thi nghề tự động hóa tại Hội đồng thi số 5
Hiện nay, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đang hợp tác với 400 doanh nghiệp để đào tạo lao động cho doanh nghiệp, doanh nghiệp trả lương toàn bộ từ khi đào tạo tới khi ra trường vào làm việc. Nhiều doanh nghiệp đặt hàng với trường nhiều nghề, như: điều hoà không khí, năng lượng mặt trời. Ngoài ra, trường cũng đang sản xuất cây ở giải osca ở Mỹ (cây 1.000 tỷ đồng), toàn bộ phần cơ khí của trường thực hiện. Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cũng dành riêng 1 tỷ đồng tài trợ cho sinh viên và là 1 trong 2 trường của Việt Nam là thành viên Hội trường Dạy nghề Châu Âu.
Dự thi nghề kỹ thuật mạng máy tính
Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là chất lượng đầu vào còn thấp, trong khi đầu ra phải đáp ứng 4.0…
Phát biểu với Hội đồng thi số 5 và Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, nhấn mạnh: Năm nay tổ chức kỳ thi trong bối cảnh hết sức khó khăn. Kỳ thi bị lùi lại nhiều lần. Tuy nhiên các hội đồng thi cũng đã có những nổ lực rất lớn trong việc tổ chức thi, công tác tổ chức chu đáo. Hội đồng thi số 5 là hội đồng được giao nhiều nghề.
Nghề thi chăm sóc sức khỏe các đối tượng bảo trợ
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Kỳ thi năm nay đã có sự nâng tầm, các đề thi tiệm cận được với đề thi trong khu vực và các nghề cũng tiệm cận được với các nghề thi trong khu vực và thế giới. Tinh thần thi la thi thật. Ban giám khảo, thí sinh, quan sát viên, ban giám khảo làm việc rất chuyên nghiệp, công tâm và khách quan…

Chí Tâm