Giáo dục - Nghề nghiệp
Sóc Trăng: Triển khai Đề án Phát triển Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng chất lượng cao
02:22 PM 29/12/2022
(LĐXH) - Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đã triển khai thực hiện tốt Dự án “Đầu tư các ngành, nghề trọng điểm” và đã đạt được những kết quả nhất định như: Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được đầu tư, trình độ đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên; quy mô tuyển sinh mới và lưu lượng học sinh, sinh viên ngày càng mở rộng; đây là điều kiện, nền tảng quan trọng để phát triển Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng chất lượng cao trong thời gian tới.

Sinh viên Cao đẳng nghề Sóc Trăng tron giờ học thực hành nghề điện điện tử

Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 11/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng về phát
triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp cao; thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội; góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2026 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng nên việc chọn Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng thực hiện Đề án Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025 à cần thiết và phù hợp với thực tế phát triển của địa phương.

Căn cứ các cơ sở nêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Đề án số 01 (Đế án 01) ngày 07 tháng 3 năm 2022 về việc Phát triển Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng chất lượng cao đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án là nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, đề án hướng đến người học được tiếp cận với cơ sở vật chất và môi trường học tập hiện đại; sau khi tốt nghiệp có kiến thức, kỹ năng cơ bản, ứng dụng hiệu quả các hoạt động về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, kỹ năng khởi nghiệp và tự tạo việc làm. Doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội tham gia quá trình đào tạo, có nguồn cung cấp nhân lực đảm bảo kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, qua đó nân cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư.  

Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục nghề nghiệp; giảng viên, giáo viên được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, thái độ, năng lực thực hiện, phương pháp sư phạm, cải thiện thu nhập, phát huy năng lực bản thân. Đề án cũng kỳ vọng đến năm 2025, Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng đạt các tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận, cấp giấy chứng nhận. Thực hiện giải pháp đột phá đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng trong giờ học lý thuyết ngành điện công nghiệp

Đến năm 2025, Trường có quy mô đào tạo tối thiểu 2.000 học sinh, sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng (tính theo số học sinh, sinh viên quy đổi); trong đó tối thiểu 1.000 sinh viên hệ cao đẳng. Tổng số học sinh, sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng của trường hoàn thành chương trình học trên 80% tổng số tuyển sinh; tỷ lệ bỏ học của học sinh, sinh viên ngành, nghề trọng điểm các cấp độ không quá 10% tổng số tuyển sinh.  Đồng thời, Trường có học sinh, sinh viên đạt giải tại các cuộc thi cấp khu vực và quốc gia do ngành giáo dục nghề nghiệp phát động, tổ chức hoặc được tuyên dương xuất sắc, tiêu biểu cấp tỉnh, bộ, ngành, quốc gia hoặc có đề tài nghiên cứu
ứng dụng được công nhận cấp tỉnh, bộ, ngành, quốc gia; ít nhất 80% các doanh nghiệp được khảo sát khẳng định năng lực của học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng đáp ứng yêu cầu công việc; có ít nhất 01 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Trường có chương trình đào tạo chất lượng cao hoặc được công nhận tương đương với chuẩn quốc tế, khu vực ASEAN. Đầu tư thêm các thiết bị đào tạo có công nghệ tiên tiến áp dụng tại doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình đào tạo. Đối với ngành, nghề trọng điểm các cấp độ có ít nhất 30% thiết bị đào tạo có trình độ công nghệ tiên tiến tại Việt Nam. Ít nhất 80% tổng số học sinh hệ trung cấp, cao đẳng tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành, nghề được đào tạo trong 12 tháng; đối với ngành, nghề trọng điểm các cấp độ là 90%.  Ít nhất 50% nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm các cấp độ có trình độ ngoại ngữ bậc 3 hoặc tương đương trở lên; ít nhất 30% nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN có trình độ ngoại ngữ bậc 4 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dung cho Việt Nam hoặc tương đương trở lên. Hằng năm, trường có ít nhất 50% đội ngũ nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm các cấp độ được bồi dưỡng để cập nhật công nghệ mới thuộc lĩnh vực ngành, nghề giảng dạy với thời gian bồi dưỡng tối thiểu 80 giờ.

Hằng năm, trường cung cấp ít nhất 04 khóa hoặc lớp đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động của doanh nghiệp được doanh nghiệp và người lao động đánh giá có chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, hợp tác với trường nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo; gắn kết với doanh nghiệp để sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ; hợp tác với doanh nghiệp để thực hiện ít nhất 01 đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng thực tiễn hoặc chuyển giao công nghệ.

Thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp chiếm ít nhất 25% tổng thời gian khóa học ngành, nghề trọng điểm các cấp độ, 20% đối với các ngành, nghề khác. Xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống bảo đảm chất lượng, được người học, nhà giáo, nhân viên, đội ngũ lãnh đạo và quản lý đánh giá hoạt động hiệu quả. Trường đạt tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; ngành, nghề đào tạo của trường được kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo quy định. Trường có hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến và bảo đảm các điều kiện cho đào tạo trực tuyến đối với ít nhất 50% môn học, mô đun của nghề trọng điểm các cấp độ. Khu vực thực hành bảo đảm đủ điều kiện theo quy định hiện hành về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đào tạo.

Để triển khai thực hiện đạt mục tiêu Đề án đề ra, Uỷ ban nhân dân tích Sóc Trăng cũng đề ra nhiệm vụ và các giải pháp đồng bộ, trong tâm, trọng điểm để triển khai như:  Phát triển hệ thống thông tin, số hóa, mô phỏng hóa các hoạt động quản lý và chương trình đào tạo, tiến đến ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các hoạt động đào tạo và quản lý nhà trường trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến.

Phát triển chương trình, giáo trình đào tạo nhằm hoàn chỉnh nội dung trên cơ sở khoa học, đảm bảo đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, phù hợp với phân tích nghề; đảm bảo kịp thời, liên thông giữa các trình độ, phù hợp với phương thức đào tạo tích lũy theo mô đun, tín chỉ, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực tế sản xuất; phục vụ hiệu quả hoạt động dạy và học.

Sóc Trăng: Triển khai Đề án Phát triển Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng chất lượng cao

Tỉnh tập trung đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và cá bộ quản lý nhằm đảm bảo đủ về số lượng; đồng bộ về cơ cấu nghề đào tạo; đạt chuẩn về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề nghiệp. Chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp của nhà giáo, cán bộ quản lý. Tập trung triển khai đầu tư mới, cải tạo nâng cấp phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, phòng học, trung tâm học liệu,...; trang bị bổ sung thiết bị đào tạo mới phù hợp với yêu cầu tối thiểu cho việc đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.Trường phải xây dựng, thường xuyên cải tiến, nâng cao chất lượng về quản trị nhà trường. Thực hiện nghiêm chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, giám sát, công khai minh bạch tài chính theo quy định của pháp luật. Tăng cường hệ thống truyền thông về chính sách của nhà nước đối với học nghề, tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách theo quy định của nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động được các nguồn lực về cơ sở vật chất, thiết bị của doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo chương trình chất lượng cao gắn với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tổng kinh phí để triển khai Đề án này đến năm 2025 được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt trên 105,6 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu ( ngân sách Trung ương), Ngân sách của địa phương, Quỹ sự nghiệp và nguồn vốn huy động từ chương trình hợp tác, liên kết đào tạo với doanh nghiệp.

Để triển khai hiệu quả của Đề án Phát triển Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng chất lượng cao đến năm 2025, Uỷ ban nhân dân tích Sóc Trăng giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh và Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án triển khai đúng tiến độ và hiệu quả đề ra./.

Hoàng Cảnh