Lao động
Sóc Trăng đẩy mạnh giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động
08:26 AM 09/07/2019
(LĐXH)- Công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được Sóc Trăng quan tâm thực hiện, nhất là đào tạo gắn với giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh; công tác xuất khẩu lao động bắt đầu chú trọng khai thác thị trường cao cấp như Nhật Bản, Đài Loan… góp phần hoàn thành chỉ tiêu được giao.
Sơ kết 03 năm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm giai đoạn 2016 – 2018 tại tỉnh Sóc Trăng cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 78.209 lao động (kế hoạch là 72.500 lao động), bao gồm lao động đã qua đào tạo trên địa bàn tỉnh, lao động phổ thông, lao động được đào tạo ngoài tỉnh…đạt 107,87% và xuất khẩu lao động là 1.252 lao động (kế hoạch là 1.250 lao động), đạt 100,16% kế hoạch.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt một số nội dung như: Quản lý và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Theo đó đã có 56 lao động nước ngoài được cấp giấy phép. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên tổ chức thanh tra tình hình thực hiện pháp luật của người nước ngoài làm việc tại Sóc Trăng.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sóc Trăng tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh
Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật lao động tại các doanh nghiệp. Tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình quản lý sử dụng nguồn quỹ quốc gia về việc làm, chương trình xuất khẩu lao động tại các địa phương.
Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thu thập thông tin Cung - Cầu lao động cho đội ngũ điều tra viên và giám sát viên từ tỉnh đến xã; đồng thời, tiến hành thu thập, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, theo dõi.
Đến năm 2020, tỉnh Sóc Trăng xác định đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Theo đó, tiếp tục triển khai Đề án thí điểm “Hỗ trợ vốn vay cho người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, từ nguồn ngân sách địa phương, giai đoạn 2019 - 2021” đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. 
Triển khai Kế hoạch “Hỗ trợ học nghề, tìm việc làm đối với người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2018 – 2025”. Trong đó, chú trọng việc lựa chọn mô hình hợp tác xã nghề nghiệp phù hợp với đối tượng để thành lập và thu hút đối tượng tham gia.
Phối hợp với các địa phương tổ chức tuyển dụng lao động, đào tạo tay nghề cung ứng cho các doanh nghiệp theo nhu cầu, trong đó ưu tiên tuyển dụng cung ứng cho các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh như: Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Sóc Trăng, Tập đoàn May Youngone Hàn Quốc; Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1…
Khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các nghề dịch vụ hữu ích tại các địa phương, từng bước thu hẹp dần một bộ phận lao động dư thừa trong nông nghiệp, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lực lượng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm ở nông thôn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có thu hút nhiều lao động, tạo ra nhiều việc làm mới hoặc người lao động, nhất là đối tượng lao động nông thôn có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm để đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Cho vay ưu đãi đối tượng học sinh, sinh viên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp và đối tượng tham gia xuất khẩu lao động từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tập trung công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xuất khẩu lao động. Nâng cao nhận thức cho người dân để họ hiểu đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia xuất khẩu lao động. Lựa chọn các nước có chính trị ổn định, thu nhập cao để đưa lao động đến làm việc. Trong đó, chú trọng các đơn hàng đảm bảo mức thu nhập cho người lao động, nhất là đối với thị trường có nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề.
Bên cạnh đó đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nhu cầu của các nước tiếp nhận lao động. Đảm bảo giáo dục định hướng cho lao động xuất khẩu về ngoại ngữ, văn hóa, kỷ luật lao động, phong tục tập quán, luật pháp… của nước tiếp nhận lao động Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cấp uỷ đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện đào tào nghề và giải quyết việc làm; đồng thời, lãnh đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dạy nghề nhằm giải quyết việc làm; thực hiện vận động người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia học nghề để tự tạo việc làm, tăng thu nhập nhằm vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội./.
Hồng Minh