Lao động
Sóc Trăng có 56.055 lao động đang làm việc tại 3.682 doanh nghiệp
01:47 PM 22/09/2021
(LĐXH)- Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Sóc Trăng, do tác động của dịch Covid-19, hiện nay, toàn tỉnh có 56.055 lao động đang làm việc tại 3.682 doanh nghiệp. Trong đó, Khu công nghiệp 41 doanh nghiệp với 17.871 lao động, ngoài Khu công nghiệp 3.641 doanh nghiệp với 38.184 lao động.
Toàn tỉnh Sóc Trăng có 3.802 doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ khi tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn; một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, phải thu hẹp bộ phận sản xuất, người lao động phải làm việc theo phương án "3 tại chỗ", một số khác phải tạm hoãn hợp đồng hợp động, ngừng việc, nghỉ việc…
Ngoài ra, tỉnh cũng có có 54.935 hộ kinh doanh và 227 hợp tác xã. Đến nay, hầu hết các hộ kinh doanh (kể cả những hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu) và các hợp tác xã đều bị ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ do tác động của dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng hoạt động theo phương châm “an toàn cho sản xuất và sản xuất phải an toàn” (ảnh Báo Sóc Trăng)

Đặc biệt, các đối tượng lao động phi chính thức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19. Bởi đây là nhóm lao động tự do, làm việc không có giao kết hợp đồng lao động, thu nhập chính từ việc làm thuê hàng ngày. Khi dịch bệnh bùng phát, tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch, đối tượng này chịu ảnh hưởng rất lớn, bị dừng công việc, cuộc sống lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Do đó, lực lượng này rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía (của nhà nước, các nhà hảo tâm…) để vượt qua thời gian giãn cách xã hội, sớm trở lại làm việc bình thường, ổn định cuộc sống.
Theo số liệu thống kê của các địa phương, toàn tỉnh có 163.358 người đi làm việc ngoài tỉnh. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, số lao động đã trở về địa phương là 50.733 người, gồm: thành phố Hồ Chí Minh có 17.485 người, tỉnh Bình Dương có 10.118 người, tỉnh Long An có 2.191 người, tỉnh Đồng Nai có 2.009 người...
Ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Sóc Trăng, cho biết: Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; nhiều đơn vị phải thu hẹp một bộ phận sản xuất, phải giải quyết cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngừng việc, nghỉ việc… nên chưa thực hiện việc tiếp nhận lao động về quê từ các vùng dịch vào làm việc. Tuy nhiên, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, dự báo số lao động làm việc ngoài tỉnh đã trở về địa phương sẽ quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh rất lớn (trên 50.000 người).
Để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tính đến ngày 21/9/2021, tỉnh Sóc Trăng đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.095 đơn vị, với tổng số lao động là 35.954 người; số tiền giảm gần 2,709 tỷ đồng, số tiền tạm tính giảm đến tháng 06/2022 là trên 10,787 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã hỗ trợ 02 đơn vị, với 599 người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, kinh phí thực hiện là hơn 531,8 triệu đồng.
Tính đến ngày 21/9, theo báo cáo từ các huyện, thị xã, thành phố, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 200 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương. Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 85 lao động, với kinh phí là 335,63 triệu đồng; số còn lại các huyện đang thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021, ước tính Sóc Trăng có 8.709 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương với kinh phí hỗ trợ là 35,759 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi làm việc với tỉnh Sóc Trăng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc cho 130 lao động, kinh phí thực hiện là 167 triệu đồng; dự kiến đến cuối năm có 1.253 lao động bị ngừng việc với số tiền hỗ trợ là 1,506 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 10 lao động, với kinh phí 42,1 triệu đồng; ước tính đến hết năm có khoảng 2.500 lao động với kinh phí hỗ trợ là 10,275 tỷ đồng. Hiện tại, thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, Ngân hàng đã phát vay cho 04 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho 181 lao động với kinh phí thực hiện 570,79 triệu đồng.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Sóc Trăng, thực hiện chính sách hỗ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, tính đến ngày 06/9/2021, các đơn vị đã hoàn thành (đạt 100%) việc chi hỗ trợ (đợt 1) cho 37.882 người với tổng kinh phí là 56,823 tỷ đồng (trong đó có 6.554 người bán vé số lẻ). Các địa phương đang vị tiếp tục nhận hồ sơ và lập danh sách gửi Sở thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 có 40.883 lao động tự do bị mất việc làm do đại dịch Covid-19 với kinh phí hỗ trợ hơn 61,3 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/9/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ (đợt 2) cho 22.290 lao động, với kinh phí thực hiện 33,435 tỷ đồng; phê duyệt hỗ trợ (đợt 3) cho 1.917 lao động, với số tiền trên 2,875 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành quyết định phê duyệt cho 41 hộ, với kinh phí là 123 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian qua do thực hiện giãn cách nên hầu hết các đơn vị triển khai chính sách này còn chậm; dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có 6.927 hộ kinh doanh được hỗ trợ kinh phí 20,781 tỷ đồng…

Chí Tâm