Văn hóa - Thể thao
Shoe Books – Những câu chuyện nhân văn dành tặng bé gái dịp Giáng sinh
09:56 AM 25/11/2021
(LĐXH)-Noel Streatfeild (1895 - 1986) là nhà văn nổi tiếng người Anh chuyên sáng tác cho thiếu nhi. Bộ sách nổi bật nhất của bà có tên Shoe Books (truyện về những đôi giày) được bà bắt đầu sáng tác từ năm 1936 kéo dài tới năm 1962. Noel Streatfeild cũng là tác giả yêu thích của các nhà văn Anh nổi tiếng sau này như J.K.Rowling, Jacqueline Wilson, Cathy Cassidy… Giáng sinh này bộ sách Shoe Books cũng được bắt đầu giới thiệu đến độc giả Việt Nam, bộ sách đặc biệt phù hợp với các bé gái từ 8 tuổi trở lên.
Về tác giả Noel Streatfeild
Tên đầy đủ là Mary Noel Streatfeild, bà chào đời vào đúng ngày Giáng Sinh 24 tháng 12 năm 1895 tại Sussex nước Anh. Trước khi trở thành một nhà văn, Noel Streatfeild làm tình nguyện viên tại bệnh viện trong Thế chiến thứ nhất. Năm 1919, bà giành được học bổng tại Học viện Kịch nghệ Hoàng gia Luân Đôn cũng như tham gia khóa học về kĩ năng viết. Noel Streatfeild đã kết hợp khả năng sáng tác và kinh nghiệm trong nghề diễn để sáng tác cuốn tiểu thuyết đầu tiên dành cho thiếu nhi Đôi giày Ba-lê. Ngay lập tức tác phẩm này đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất vào thời điểm đó và đoạt giải nhì của Carnegie Medal (Giải thưởng Văn học Thiếu nhi Anh) năm 1936.
Tiếp nối thành công của Đôi giày Ba-lê, Noel Streatfeild còn viết thêm nhiều tiểu thuyết khác như: Theater Shoes (Đôi giày Sân khấu), Circus Shoes (Đôi giày Rạp xiếc), Skating Shoes (Đôi giày Trượt băng)... và tạo thành thương hiệu Shoe Books - câu chuyện về những đôi giày nổi tiếng của bà. Trong cả cuộc đời, Noel Streatfeild sáng tác khoảng 58 tác phẩm dành cho thiếu nhi, ít nhất 16 tiểu thuyết dành cho người lớn cùng nhiều cuốn sách phi hư cấu khác.
Truyện dành cho thiếu nhi của Noel Streatfeild đã trở thành những tác phẩm mẫu mực, được đông đảo độc giả nhỏ tuổi yêu thích, đồng thời luôn nằm trong danh sách các tác phẩm nên đọc trên bảng xếp hạng của các thư viện uy tín trên thế giới. 
Nhiều tác giả nổi tiếng yêu thích Shoe Books 
Sau một số tiểu thuyết dành cho người lớn, Đôi giày Ba-lê, cuốn sách đầu tiên của Noel dành cho trẻ em (viết ở tuổi 42), đã thành công ngay lập tức, nhanh chóng tiếp nối vào năm sau đó bằng cuốn Đôi giày tennis nổi tiếng, tới năm 1938 bà đoạt giải cao nhất của Huy chương Carnegie cho cuốn Đôi giày Rạp xiếc. Bà tiếp tục viết tổng cộng 11 cuốn sách trong bộ truyện có tên Shoe Books. Bộ sách này thực sự có một bản sắc riêng biệt, không hoàn toàn giống như một bộ truyện, mà là một thế giới quen thuộc với những mảnh ghép chắc chắn và các nhân vật xuất hiện theo thời gian.
Có những thông điệp đơn giản được nêu ra trong mỗi cuốn tiểu thuyết của bộ Shoe Books này: tiền không có nghĩa là hạnh phúc; mỗi người đều có những món quà riêng và vị trí đặc biệt của riêng mình; quá tham vọng có thể gặp bất hạnh, hạnh phúc đến theo thời điểm và cách thức riêng của nó. Những đứa trẻ của Streatfeild không hề hoàn hảo, nhưng câu chuyện của chúng mang đến sự bình yên và cổ vũ cho các thế hệ độc giả.
Bên cạnh đó, một thành phần cốt yếu khác làm nên sức hấp dẫn của những cuốn sách này là bối cảnh khác nhau được chọn cho mỗi gia đình. Từ rạp xiếc, đến phòng chiếu phim, nhà hát, sân tennis, phòng hòa nhạc và giáo sở, mỗi môi trường đều được tạo ra sống động trong từng chi tiết hấp dẫn.
Trẻ em có thể gặp rắc rối với thế giới người lớn nhưng Streatfeild khiến chúng cảm thấy được lắng nghe. Trẻ em từ Los Angeles đến London biết khi nào chúng được tôn trọng. Và chúng thích điều đó. Nhà văn J.K.Rowling từng viết rằng “Khi còn nhỏ tôi thích Noel Streatfeild. Tôi vẫn luôn đọc lại Đôi giày Ba-lê”, trong khi đó một nhà văn cho thiếu nhi khác là Cathy Cassidy đã viết về Đôi giày Trượt băng như sau: “Một câu chuyện ấm áp cảm động về tình bạn và ước mơ”.
Đôi giày Ba-lê (1936)
Đôi giày Ba-lê là câu chuyện của Pauline, Petrova và Posy, ba em bé mồ côi được cụ Gum tốt bụng nhận nuôi, sau đó cụ giao các em cho cô Sylvia và vú Nana nhiệm vụ nuôi nấng các em rồi lên đường, tham gia một chuyến hải trình dài. Vì muốn giúp đỡ cô Sylvia trong quãng thời gian chờ cụ Gum trở về, ba chị em đã gia nhập Học viện Đào tạo và Biểu diễn Sân khấu Thiếu nhi. Tại đây, mỗi em đã khám phá cũng như luyện tập chăm chỉ để theo đuổi ước mơ của mình: Pauline muốn trở thành diễn viên, Petrova muốn trở thành một nữ phi công, còn Posy thì đam mê khiêu vũ. Ba em nhỏ dần lớn lên và dù gốc gác khác nhau nhưng các em đã cùng thề rằng sẽ khiến tên tuổi của Fossil – họ mà các em đã tự đặt cho mình – được ghi vào sử sách mà không hề biết rằng, để làm được điều đó các em phải vượt qua như thế nào và đòi hỏi nhiều nỗ lực ra sao.
Mỗi em, theo một cách đã vượt qua tất cả, luôn can đảm và nỗ lực không ngừng để theo đuổi ước mơ của mình! Và câu chuyện về họ là minh chứng cho khao khát theo đuổi ước mơ để sống một cuộc đời thật trọn vẹn.
Chắc chắn câu chuyện về chị em nhà Fossil sẽ khiến bạn mỉm cười và hi vọng trong những ngày đau khổ nhất!
Rất nhiều em bé đã mơ ước trở thành một vũ công ba-lê, hay một diễn viên kịch nói sau khi đọc xong tác phẩm này. Bạn sẽ thấy những điều kì diệu mà nghệ thuật biểu diễn có thể mang lại cho các bé gái. 
Đôi giày Trượt băng (1951)
Đôi giày trượt băng là câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính là Harriet và Lalla. Hai cô bé có hai hoàn cảnh sống hoàn toàn khác nhau. Harriet sống trong một gia đình tuy khó khăn nhưng lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng vì Harriet có bệnh nên đôi chân yếu ớt và không thể đến trường, bác sĩ chữa bệnh cho Harriet đã khuyên gia đình nên đưa cô bé đến sân trượt để rèn luyện đôi chân. Việc học trượt băng đối với Harriet quả là rất khó khăn, nhưng rất may, Harriet đã gặp Lalla, cô bạn cùng tuổi được học trượt băng từ nhỏ chỉ dẫn. Bố mẹ của Lalla đã mất, Lalla sống cùng người cô ruột trong cảnh giàu sang nhưng luôn cô đơn vì không có bạn bè. Hai người bạn đã có những tháng ngày cùng nhau học trượt băng và các môn học khác. Trong thời gian dạy trượt băng cho Harriet, thầy giáo Max Lindblom đã nhận ra tài năng tuyệt vời của Harriet và muốn giúp cô bé phát triển tài năng đó của mình. Chỉ vì hiểu lầm mà Lalla đã giận bạn mình và chút nữa thì tình bạn của hai cô bé bị tan vỡ. Liệu tình bạn đó có được hàn gắn lại?
Câu chuyện để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng trong lòng người đọc bởi đã thể hiện được tình cảm gia đình thiêng liêng và tình bạn chân thành… 
Đôi giày Sân khấu (1944)
Sorrel, Mark và Holly là những đứa trẻ đã mồ côi mẹ, còn cha của các em là một lính hải quân và hiện đang mất tích trong khi chiến đấu. Các em được gửi đến sống với bà ngoại ở Luân Đôn. Sau khi đến Luân Đôn, bà ngoại đã ghi danh cho các em được vào học tại Học viện Đào tạo Sân khấu và Biểu diễn Khiêu vũ Thiếu nhi, cũng chính là Học viện đã giúp chị em nhà Fossil trong cuốn Đôi giày Ba-lê trở nên nổi tiếng.  Thoạt đầu, ý nghĩ về việc học tại Học viện không hề khiến các em thấy thích thú và háo hức, nhưng theo thời gian, các em dần lớn lên và tận hưởng trải nghiệm được đứng trên sân khấu, điều này khiến các em thêm yêu thích và gắn bó với Học viện hơn. Học viện cũng là nơi giúp các em phát hiện ra những khả năng của mình: Sorrel có sự khéo léo khiến ai cũng phải kinh ngạc, Mark có thể hát rất hay và cảm xúc, và Holly quyến rũ mọi người bằng cách đáng yêu của em.
Trong quá trình sống và học tập tại Luân Đôn, các em cũng tìm hiểu về di sản của dòng họ Warren, về gia đình mẹ - những diễn viên rất nổi tiếng và đều đạt được thành tựu trong lĩnh vực sân khấu. Đôi giày Sân khấu quả là một cuốn sách hay và thú vị, nó sẽ cho bạn biết thế nào là hoài bão và giá trị của sự chăm chỉ để thực hiện hoài bão đó! 
 Đôi giày Tennis (1937)
 
Bốn đứa trẻ tài năng có mái tóc đỏ nhà Heath: Jim, Susan, Nicky và David cùng gia đình sống ở ngoại ô Luân Đôn. Jim đặc biệt giỏi bơi lội, David hát hay, Susan thông minh trong học tập và xinh đẹp nhất nhà, còn Nicky thì hơi lười biếng và bướng bỉnh nhưng lại gây bất ngờ vì em mới chính là người đạt được thành tích cao nhất trong môn quần vợt. Bố của bọn trẻ là bác sĩ, ông đã từng rất giỏi trong môn quần vợt cho đến khi bị thương ở chân.
Một ngày nọ, ông nội nhìn thấy cặp song sinh Jim và Susan đang chơi tennis và nhận thấy chúng cũng có khả năng. Ông đề nghị chúng tham gia một câu lạc bộ. Ông nội nảy ra ý tưởng về ngôi nhà tennis, là một hộp tiết kiệm dùng vào việc mua vợt và trang phục tennis. Những đứa trẻ rất hào hứng luyện tập. Đây là câu chuyện tuyệt vời về việc luyện tập chăm chỉ để chinh phục mục tiêu. Con đường đi đến thành công dù khó khăn nhưng thật kì diệu. 
Đôi giày Rạp xiếc (1938)
Đôi giày Rạp xiếc là cuốn sách xoay quanh câu chuyện của hai em nhỏ mồ côi là Peter và Santa. Sau khi cha mẹ qua đời vì gặp tai nạn, các em đến ở với người bác gái Rebecca. Nhưng một thời gian sau bác gái cũng qua đời. Trước nguy cơ bị gửi đến hai trại trẻ mồ côi khác nhau, các em đã liều lĩnh bỏ trốn để đi tìm người chú chưa từng một lần gặp mặt của mình, chỉ với vài dòng thông tin được ghi trên chiếc thiệp Giáng sinh, có tên chú và tên đoàn xiếc của chú.
Dù vượt qua nhiều khó khăn để tìm thấy chú Gus và đoàn xiếc Cob nhưng câu chuyện không dừng lại đó. Đoàn xiếc Cob thật sự là một thế giới hoàn toàn mới lạ với các em. Và chú Gus chỉ đồng ý giữ cả hai ở lại nếu các em trở thành người có ích, trong khi trước đó, dưới sự nuôi dạy hạn chế biết của bác Rebecca, các em chỉ là những đứa trẻ ngốc nghếch, chẳng biết gì, chẳng có gì ngoài tình yêu thương dành cho nhau.
Làm thế nào để những đứa trẻ rỗng tuếch trở thành người có ích? Làm thế nào các em có thể thuyết phục chú Gus rằng mình thực sự thuộc về đoàn xiếc? Hãy cùng Đôi giày Rạp xiếc khám phá hành trình biến hình ngoạn mục thành những người biểu diễn xiếc của hai đứa trẻ “ngốc ngếch” nhưng dễ thương Peter và Santa. 
Đôi giày Khiêu vũ (1957)
 
Hilary là một cô bé vui tính, em múa rất đẹp và dường như có tài năng thiên bẩm với bộ môn này. Rachel là một cô bé tình cảm nhưng lầm lì, ít nói. Sau khi mẹ qua đời, Rachel và em gái nuôi Hilary được chuyển đến sống với bác Cora. Vì có mở một trường dạy khiêu vũ ở London nên bác Cora quyết tâm muốn biến cả hai đứa trẻ thành thành viên trong đoàn múa của mình. Nhưng có một vấn đề đã xảy ra. Rachel chẳng những không thích khiêu vũ mà em còn không muốn để cho Hilary trở thành một trong những kì quan nhỏ của bác Cora. Đó phải chăng là sự ích kỉ, đố kị của Rachel với Hilary, hay là còn một nguyên nhân sâu xa nào khác?
Những hiểu lầm đan xen cùng với mâu thuẫn với người em họ Dulcie đã kết hợp và tạo nên một câu chuyện đầy kịch tính.
Đôi giày Khiêu vũ là một món quà tặng tuyệt đẹp, một tác phẩm kinh điển rất được yêu thích về hai chị em mồ côi và tình yêu lớn của họ dành cho sân khấu và khiêu vũ./.
Ngọc Anh