Xã hội
Sáng mãi những gương cựu chiến binh trên quê hương Thành Nam
10:55 AM 01/09/2020
(LĐXH) - Rời quân ngũ trở về địa phương, dù sức khỏe suy giảm nhưng nhiều cựu chiến binh (CCB) vẫn vượt lên thương tật, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục xung phong trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng chính quyền cơ sở, trở thành những tấm gương sáng cho thế hệ sau học tập và noi theo. CCB tỉnh Nam Định là những người như vậy.
Người CCB làm giàu từ các mô hình kinh tế
Năm 1978, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, CCB Lại Văn Quang (ở xã Giao Hương, huyện Giao Thủy) đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, biên chế tại Sư 395 Đặc khu Quảng Ninh, tham gia biên giới phía Bắc. Năm 1984 xuất ngũ, trở về địa phương, ông tích cực tham gia lao động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm 1989, địa phương có cơ chế, chính sách cho người dân đấu thầu diện tích đất thuộc bãi bồi sông Hồng, ông Quang nhận đấu thầu 20 mẫu để trồng lúa, chủ yếu là giống lúa Tạp giao. Thời gian đầu bắt tay vào trồng lúa trên đất bãi, do không có kinh nghiệm trong sản xuất nên cây trồng thường bị xâm nhập mặn, không đem lại hiệu quả. Với bản chất bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Lại Văn Quang đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất trồng lúa Nếp Cái Hoa vàng ở huyện Kim Môn tỉnh Hải Dương. Năm 1990, ông đưa giống Nếp đặc sản trồng trên vùng đất bãi, bước đầu cho năng suất 1,5 - 1,7 tấn/mẫu, giá thành sản phẩm cao gấp 2 lần so với giống lúa khác. Thế nhưng ngặt nỗi, giống lúa này mỗi năm chỉ cấy được duy nhất ở vụ mùa đối với vùng đất bãi. Thời gian còn lại, từ tháng 11 của năm trước đến tháng 5 năm sau, ông Quang tiến hành nuôi tôm rảo theo hướng quảng canh và đem lại giá trị kinh tế cao.

Mô hình 1 vụ tôm, 1 vụ cấy lúa Nếp đặc sản của CCB Lại Văn Quang đem lại hiệu quả kinh tế cao 

Nhận thấy mô hình làm ăn có hiệu quả, ông tiếp tục nhận đấu thầu 40 mẫu đất bãi ven sông, đồng thời đầu tư mua máy cày bừa, máy gặt đập liên hoàn, máy phun thuốc sâu, máy sấy lúa…Nhờ áp dụng khoa học vào thâm canh kết hợp với kinh nghiệm trồng lúa Nếp đặc sản mỗi năm cho sản lượng trên 600 tấn. Theo đánh giá của người tiêu dùng: Lúa Nếp đặc sản tại bãi bồi sồng Hồng có độ bùi, béo, vị thơm, khi đồ lên xôi dẻo và dai. Xôi có vị ngọt mộc mạc, đậm đà nhờ việc gieo trồng trên bãi bồi với chất đất có nhiều lượng phù sa. Vì thế, vẫn là giống lúa Nếp ấy nhưng đem đi nơi khác trồng thì cơm chỉ dẻo mà không có hương thơm đặc trưng. Thế nên cả vùng quen gọi “Nếp đặc sản trên đất bãi Giao Hương”.
Nhằm tận dụng diện tích đất nổi khu vực bãi bồi, cựu chiến binh Lại Văn Quang đã thay thế giống chuối Tây truyền thống sang trồng chuối Tây thuộc Công ty giống cây trồng tỉnh Hải Dương chọn tạo. Nhờ có kỹ thuật từ việc chọn cây giống, chăm bón và xử lý sâu bệnh nên toàn bộ diện tích chuối thương phẩm được thu hoạch trước mùa bão, tránh bị thiệt hại về kinh tế. Hàng năm, ông thu hoạch khoảng 2.000 buồng chuối, với giá bán như hiện nay 7.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông Quang thu nhập khoảng 350 triệu đồng từ trồng chuối. Với chất lượng nông sản mùa nào thứ nấy, các thương lái đã về tận nơi để thu mua với sản lượng lớn.  Mô hình sản xuất đã tạo việc làm thường xuyên cho 2 - 3 lao động, vào lúc mùa vụ tăng lên từ 10- 12 lao động với mức thu nhập từ 160.000 - 200.000 đồng/người/ngày.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Lại Văn Quang còn là hội viên gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của Hội, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và chuyển giao kỹ thuật trồng lúa Nếp đặc sản, trồng chuối cho bà con ở địa phương.
Với những nỗ lực, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cựu chiến binh Lại Văn Quang xã Giao Hương thực sự là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, làm giàu. Ông nhiều lần được các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức Hội biểu dương, khen thưởng CCB làm kinh tế giỏi, xứng đáng là điển hình trong phong trào học tập và làm theo lời Bác.
Người CCB hết lòng đi tìm đồng đội
Ở xã Hải Hà (Hải Hậu), nhiều người biết đến CCB Lã Mạnh Tùng, người đã dành nhiều thời gian, công sức đi tìm những liệt sĩ đang nằm nơi rừng sâu, núi thẳm đưa về quê hương.
Ông Tùng từng là một người lính giỏi của Tiểu đoàn 20 Đặc công (mật danh K20), Trung đoàn 198, Sư đoàn 320C, Quân đoàn 3 vào chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên. Từ năm 1968 đến 1975, Tiểu đoàn 20 đã đánh trên 50 trận, giết hàng nghìn tên Mỹ, ngụy, phá hỏng hàng trăm phương tiện chiến tranh của địch, trong đó ông Tùng không chỉ nổi tiếng về tài nghệ bắn súng B41 cũng như sự gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu.
CCB Lã Mạnh Tùng và các đồng đội đã tìm, đưa hàng chục hài cốt liệt sĩ quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ
khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố trong cả nước (Ảnh minh họa)
Khi xuất ngũ về địa phương, ông Lã Mạnh Tùng luôn nhớ đến những người đồng đội của mình nằm giữa chiến trường. Sau những lần về chiến trường xưa, thăm gia đình các đồng đội, nghe những người mẹ già liệt sĩ luôn mong mỏi được đón con trở về quê hương, ông đã gác lại việc riêng để trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Là người lính, ông hiểu rằng khi người lính ngã xuống đều chỉ được chôn cất đơn giản, có khi vừa chôn xuống lại bị bom đạn xóa mất dấu vết đánh dấu, nhiều nơi bị cày xới liên tục nên chỉ có những đồng đội trực tiếp chôn cất hoặc từng trải qua chiến đấu mới tìm ra được hài cốt. Vì vậy, các cuộc hành trình tìm hài cốt đồng đội lần nào của ông Tùng cũng vất vả, gian nan, tốn kém cả công sức lẫn tiền bạc nhưng ông luôn cố gắng. Có những cuộc tìm kiếm hài cốt kéo dài nhiều ngày không thành công do cảnh vật đã đổi thay, ông Tùng cùng các đồng đội kiên trì trong từng tấc đất để tìm.
Sau nhiều năm tham gia công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, CCB Lã Mạnh Tùng và các đồng đội đã tìm, đưa hàng chục hài cốt liệt sĩ quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có nhiều liệt sĩ quê hương Nam Định, làm trọn nghĩa vẹn tình với các đồng đội, những người lính đã cống hiến trọn tuổi trẻ, thanh xuân để bảo vệ quê hương, đất nước./.
Cảnh Hưng