Văn hóa - Thể thao
Rộn ràng trong ngày Tết cổ truyền ở Cổ Loa
11:21 AM 18/02/2021
Cổ Loa, một cái tên đã trở nên quen thân với mọi người Việt Nam chúng ta. Khi nói đến Cổ Loa là chúng ta liên tưởng tới một tòa thành độc đáo – Loa thành, được xây dựng từ thời An Dương Vương dựng nước và biết bao truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn về một thời xa xưa hào hùng bi tráng còn được truyền tụng tới ngày nay.
Những ngày lễ Tết hàng năm, ở đây  Lễ hội diễn ra nhằm tưởng niệm và nhớ ơn Đức vua An Dương Vương – người sáng lập ra nhà nước Âu Lạc và có công xây thành Cổ Loa. Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức những trò chơi dân gian trong ngày Tết cổ truyền nhằm giữ gìn những nét đẹp văn hóa của người Việt xưa. Lễ hội thu hút rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Trò chơi dân gian không đơn thuần là những trò vui tiêu khiển mà nó chứa đựng những nét đẹp văn hóa và mang giá trị truyền thống dân tộc.
   
Người Việt từ xưa có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ, xin chữ. Ông Đồ cho chữ ngày Tết đã trở thành nét văn hóa có từ lâu đời của người Hà Nội.

      Từ xa xưa, tập tục múa Lân đã trở thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt. Những đoàn Lân ngày tết đem đến không khí rộn rã, vui tươi, đón chào một năm mới thật nhiều tiếng cười, phồn vinh và hạnh phúc.

   Ở Cổ Loa vào dịp Tết, hội thi bắn nỏ thường được tổ chức trên một bãi đất rộng để thuận tiện cho việc bắn nỏ. Trò chơi này được thu hút rất nhiều bạn trẻ, không chỉ thể hiện sự khéo léo và bình tĩnh mà trò chơi còn là biểu tượng tượng trưng cho chiếc Nỏ Thần – An Dương Vương.

Đi cầu kiều là một trò chơi rất đơn giản mà không kém phần thú vị.Giải thưởng được treo trên cột, đến lượt ai, người đó leo cầu lấy thưởng. Có người mới leo được vài bước thì đã ngã. Có người ra tới mút đầu cầu lấy được thăng bằng nhưng khi với tay lấy giải thưởng thì loạng choạng lăn tùm xuống ao. Cuộc chơi càng hấp dẫn và kích thích sự hiếu thắng của mọi người.

      Cờ người cũng là cờ tướng mà quân cờ là người thật, cũng chơi trên sân bãi, 16 nam áo đỏ, 16 nữ mặc áo đen đeo biển trước ngực, đứng vào vị trí. Mỗi lần đi một nước, đấu thủ (có tiếng trống khẩu) gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Đây là thú chơi tao nhã, trí tuệ nhân những lúc trà dư tửu hậu. Các cụ thường gặp nhau bên chén trà và mở bàn cờ tướng ra giải trí.

Cần đu cũng là những cây tre dài nhưng thon nhỏ, thường phải là tre đực để lúc người đu nắm vào cho gọn và chắc tránh xảy ra trượt hay tuột tay lúc đu nhanh, mạnh. Tùy theo sở thích mà người ta đu một hay đu đôi. Khi một người lên cần đu có thể nhờ một người khác đẩy cho mình có đà. Sau đó là tự người đu nhún tùy ý. Đẹp nhất là đu đôi, các đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu, người nhún người đẩy.

Nguyễn Hoàng.