Lao động
Quốc hội thảo luận Bộ luật Lao động (sửa đổi)
02:52 PM 27/05/2019
(LĐXH)- Hôm nay (27/5), kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV bước sang tuần làm việc thứ hai, thảo luận và cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng. Cùng với các vấn đề kinh tế xã hội, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó đáng chú ý là quy định nâng tuổi nghỉ hưu.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 (kết hợp trình chiếu videoclip)…
Cũng trong chương trình làm việc của tuần này, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Những nội dung liên qua sau đó được các ĐBQH thảo luận tại tổ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi người lao động tại Hải Phòng
Lần sửa đổi bộ luật lần này gần như toàn diện, với nhiều nội dung mới, đặc biệt là vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ban soạn thảo  đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi với nữ, thực hiện tăng dần theo lộ trình từ năm 2021.  Liên quan đến nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tại dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, có 2 phương án được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phương án 1: "Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".
Phương án 2: "Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".
Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung thảo luận tại tổ
Với hai phương án này, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo Chính phủ thì qua khảo sát, đánh giá cho thấy đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ.
"Bản chất tuổi nghỉ hưu hiện nay dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra chỉ có điểm khác là nâng lên đến 62 với nam và 60 với nữ. Nhưng tăng tuổi nghỉ hưu đi theo lộ trình mỗi năm tăng vài tháng chứ không phải tăng ngay trong năm 2021. Hiện Chính phủ đã có danh mục những ngành nghề được giảm - tăng tuổi nghỉ hưu. Để người lao động cả nước yên tâm, Chính phủ nên giao Bộ Lao động - TBXH, Bộ Y tế xác định đâu là ngành nghề bị suy giảm khả năng lao động, đâu là ngành nghề bị tác động bởi yếu tố điều kiện lao động, ảnh hưởng sức khỏe, từ đó có các danh mục ngành nghề, lĩnh vực nào được giảm tuổi nghỉ hưu" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Chí Tâm (tổng hợp)