Xã hội
Quảng Trị nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới
10:14 AM 27/12/2021
(LĐXH)- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến tất cả các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Song, cùng với việc thực hiện nghiêm túc “mục tiêu kép”, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, chính trị, xã hội ở Quảng Trị cũng đã quan tâm tới việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Trong đó, để thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 - 2030, ngay từ đầu năm 2021, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh cùng với các Sở, ban ngành và các địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Nhờ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ đã được các cơ quan, ban, ngành quan tâm, tạo điều kiện nên tỷ lệ tham gia của cán bộ nữ trong các khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, cao học đều đạt kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, Quảng Trị đã chú trọng nhiều hơn tới việc tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, thủ trưởng đơn vị, vai trò của tổ chức đoàn thể đối với những vấn đề liên quan đến nữ công chức, viên chức, người lao động. Tập trung xây dựng các mô hình làm kinh tế, tạo điều kiện cho người dân nói chung và phụ nữ nói riêng tại các đơn vị, địa phương được vay vốn từ nhiều nguồn để có cơ hội phát triển kinh tế... Chính vì vậy, lực lượng lao động nữ và đội ngũ cán bộ nữ trong tỉnh ngày càng được quan tâm cũng như khẳng định được vai trò, sự đóng góp quan trọng của mình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tiến bộ xã hội.
Công tác cán bộ nữ ngày càng được Quảng Trị quan tâm thực hiện hiệu quả
Nhằm nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới, trong quá trình xây dựng các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Quảng Trị cũng đặc biệt chú trọng đến lực lượng nữ, nhất là trong công tác cán bộ. Do đó, tỷ lệ nữ được quy hoạch, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo cơ hội cho chị em tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đến nay, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, Quảng Trị có 01/06 đại biểu Quốc hội là nữ, đạt 16,67%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND cấp tỉnh là 12/50 đồng chí (đạt 24%), cấp huyện 76/291 đồng chí (đạt 26,12%), cấp xã 597/2.821 đồng chí (đạt 21,16%). Nữ lãnh đạo thuộc Sở, ban, ngành là 15/65 (đạt 26,15%); nữ lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố là 02/27 (đạt 7,4%); nữ lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở hoặc tương đương là 68/221 (đạt 30,77%).
Tiếp đến, nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động cũng được tỉnh Quảng Trị quan tâm triển khai thực hiện. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương dự ước đạt dưới 36,5%, tỷ lệ lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp khoảng 47% và tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp là 25%...
Bên cạnh đó, để thực hiện các mục tiêu khác về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành, thị kiện toàn bộ máy. Trong đó, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ tỉnh có 20 thành viên, Trưởng ban là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Phó Ban thường trực. Tỉnh cũng đã bố trí cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cấp tỉnh và cán bộ kiêm nhiệm làm công tác bình đẳng giới ở cấp huyện, xã và thành lập đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt ở thôn, bản.
Ngay sau khi củng cố và kiện toàn, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ các cấp, các ngành đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng.
Trong đó, riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Trị tổ chức 02 lớp tập huấn Luật Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các xã: Linh Trường (huyện Gio Linh), Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) cho hơn 150 người là thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ xã, Chi hội trưởng Hội phụ nữ, Bí thư Chi đoàn các thôn và cán bộ thôn, cộng tác viên bình đẳng giới, hộ dân tại xã. Phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa và Đakrông tiếp tục triển khai Dự án Phòng chống kết hôn sớm ở các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp triển khai 02 đợt phát thanh lưu động tại 42 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố với nội dung về giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình, phòng chống tảo hôn…
Thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền về Luật bình đẳng giới, xây dựng tài liệu tập huấn về giới; hướng dẫn các ngành và địa phương lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào việc thực hiện các chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cấp tỉnh, huyện; hỗ trợ các chương trình dự án về thực hiện công tác bình đẳng giới, lồng ghép giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên các lĩnh vực./.

Chí Tâm