Xã hội
Quảng Ninh triển khai nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ trẻ em nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS
10:45 AM 24/10/2019
(LĐXH) - Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước ban hành nghị quyết riêng về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tiếp sức cho trẻ em khó khăn có cơ hội được học tập, phát triển. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền và mở rộng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho những trẻ em này.
Học sinh trên địa bàn tỉnh hưởng ứng các hoạt động tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS

Toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 160 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS và gần 1.500 trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn hỗ trợ trẻ em (dưới 16 tuổi) bị nhiễm hoặc được sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS được miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập (100.000 đồng/tháng); hỗ trợ dinh dưỡng nâng cao thể trạng (500.000 đồng/năm). Ngoài các chính sách chung của Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ cho trẻ bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020, trong đó, cấp thẻ BHYT miễn phí, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh có chi phí cao (không quá 50 lần mức lương tối thiểu/lần) cho những trẻ em này.

Địa phương cũng đã triển khai các mô hình phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS như: Chương trình phòng ngừa, điều trị cho bà mẹ và trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; mua thẻ BHYT cho trẻ em nhiễm HIV trên 6 tuổi, cấp thuốc ARV miễn phí cho trẻ nhiễm HIV/AIDS; triển khai dự án Tăng cường hỗ trợ sự tham gia của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vào quá trình ra quyết định về những vấn đề có liên quan đến trẻ em... Qua các mô hình này, đã có gần 1.700 lượt trẻ em đã được hỗ trợ xét nghiệm và cấp sản phẩm dinh dưỡng; hơn 400 trường hợp trẻ bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được lập hồ sơ quản lý, được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ. Đặc biệt, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm triển khai. Năm 2018 đã tiến hành 22.095 lượt truyền thông (với nhiều hình thức) cho 1.222.087 lượt người. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), đơn vị chuyên trách về công tác phòng chống HIV/AIDS của ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị y tế trong ngành, các địa phương có liên quan thực hiện truyền thông và xét nghiệm lưu động tại các địa bàn vùng khó khăn, biển đảo, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam cho hơn 1.200 người thuộc các địa phương: Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hoành Bồ, Đông Triều. Nhờ đẩy mạnh truyền thông cũng như các giải pháp nên chất lượng cuộc sống của những trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện.

Tuyên truyền lây nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai 

Cùng với hoạt động tuyên truyền, các ngành, địa phương cũng tích cực triển khai các chương trình phòng ngừa, điều trị cho bà mẹ, trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Toàn tỉnh hiện có 12 phòng khám điều trị cho người bị nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 1 phòng khám dành riêng cho trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 3 phòng khám tuyến huyện điều trị lồng ghép cho người lớn và trẻ em.

Thực hiện chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều đợt tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai ở tuyến xã, phường; điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và cho trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV. Bên cạnh đó, cung cấp sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ từ 0 đến 12 tháng tuổi, xét nghiệm, chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV/AIDS cho trẻ từ 6 tuần tuổi, điều trị ARV miễn phí cho trẻ em bị nhiễm HIV. Mỗi năm, các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, miễn phí tại Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Quảng Yên và các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh, xét nghiệm sàng lọc HIV cho khoảng 90.000 mẫu máu…

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả trẻ em; tăng cường trách nhiệm của cá nhân trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh tập trung hướng đến mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của mình, 90% người nhiễm được điều trị bằng ARV, 90% người điều trị bằng ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng cho phép). Đồng thời, khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,42%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trần Huyền