Lao động
Quảng Ninh tích cực giải quyết việc làm cho người lao động
06:24 PM 23/10/2019
(LĐXH)-Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng năm 2019, Quảng Ninh đã giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm khoảng 14.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79%.
Đạt được kết quả nói trên là do tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về giải quyết việc làm.
Thời gian qua, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Tuy nhiên, thực trạng nguồn lao động của Quảng Ninh hiện không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề lao động, việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang thực hiện tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; phối hợp với địa phương tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm lưu động tại TX Quảng Yên, TP Móng Cái, huyện Bình Liêu. Sở cũng đã triển khai kịp thời các chương trình xuất khẩu lao động do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, như chương trình tuyển chọn ứng viên đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản.
Theo ông Phạm Ngọc Khánh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh, thực hiện chỉ đạo sát sao của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn lực, nhân lực phù hợp để triển khai, đề ra các giải pháp, như đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm duy trì hoạt động sàn giao dịch việc làm cố định tại các địa điểm; bố trí lại nhân sự, xác định các bước, quy trình tư vấn, tổ chức hoạt động sàn giao dịch việc làm để việc thực hiện ngày càng chuyên nghiệp hơn. Trung tâm cũng đẩy mạnh kết nối online các điểm tổ chức sàn giao dịch việc làm định kỳ với trung tâm 10 tỉnh khu vực phía Bắc. Từ đầu năm đến nay Trung tâm đã tư vấn việc làm cho hơn 4.500 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho hơn 2.800 lượt lao động.
Vườn cam đường Canh của gia đình anh Dương Văn Ký, xã Thủy An, thị xã Đồng Triều được đầu tư từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH tỉnh 
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội  tỉnh cũng tích cực hỗ trợ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), đã có hàng ngàn hộ vay ở Quảng Ninh sử dụng hiệu quả đồng vốn để phát triển kinh tế gia đình, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập.
 Anh Dương Văn Ký (thôn An Biên, xã Thuỷ An, TX Đông Triều) được nhiều người biết đến là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm. Năm 2011, anh Ký đã mạnh dạn vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH TX Đông Triều, đầu tư, cải tạo đầm lầy thành trang trại diện tích 4ha trồng trên 4.000 gốc cây cam đường Canh; cho lợi nhuận mỗi năm trên 600 triệu đồng.
Chị Lưu Thị Dương (khu 2, phường Tuần Châu, TP Hạ Long) được vay 40 triệu đồng vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), vay mượn thêm, gia đình chị đầu tư 20 bè nuôi con hàu từ đầu năm nay, dự kiến tháng 10 tới sẽ cho thu hoạch, doanh thu khoảng 200 triệu đồng.
Không chỉ gia đình chị Dương, anh Ký, hàng nghìn gia đình khác trên địa bàn tỉnh đã vươn lên có cuộc sống và việc làm ổn định từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Ông Nguyễn Thành Dương, Phó Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng của Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Xác định nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo, duy trì việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Ngân hàng tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng CSXH cấp huyện triển khai kịp thời các chính sách, chỉ tiêu kế hoạch hằng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng.
Nhờ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhiều mô hình kinh tế là tiềm năng, thế mạnh của các địa phương đã được phát huy, như: Trồng thanh long ruột đỏ tại Uông Bí; nuôi thủy sản tại Vân Đồn, Quảng Yên; vườn mẫu cây ăn quả xen cây dược liệu tại Tiên Yên; trồng rừng tại Ba Chẽ… Chương trình cho vay giải quyết việc làm cũng đã góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động, nhất là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, người tàn tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.
Theo thống kê của Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh, tính từ năm 2016 đến cuối tháng 3/2019, toàn tỉnh có gần 20.000 lao động được cho vay vốn giải quyết việc làm, với doanh số trên 650 tỷ đồng. 9 tháng năm 2019, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ngân hàng CSXH Quảng Ninh triển khai hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho 2.819 dự án, với doanh số 131,5 tỷ đồng, 3.341 lao động được hỗ trợ tạo việc làm.
Hiệu quả từ chương trình cho vay giải quyết việc làm đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao, đồng tình ủng hộ. Tuy vậy, nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, mức cho vay mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để tạo việc làm, nhất là trong giai đoạn hiện nay...
Nhật Minh