Xã hội
Quảng Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội
02:40 PM 10/12/2021
(LĐXH)-Trong năm 2021, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm và mua bán người. Kết quả thu được từ hoạt động này đã trực tiếp góp phần giữ ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong công tác cai nghiện ma túy, năm 2021, có 136 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố cấp nhật dữ liệu lên trên hệ thống với 2.142 hồ sơ người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy ngoài cộng đồng trên hệ thống.
Thực hiện Đề án thí điểm cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex, từ 01/01/2021 - 31/10/2021, toàn tỉnh có 30 người tham gia cai nghiện bằng thuốc Cedemex.
Cùng với đó, trong thời gian từ ngày 15/12/2020 - 31/10/2021, toàn tỉnh có 181 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Dự kiến thực hiện đến ngày 15/12/2021 là 200 người, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm; Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cũng tiếp nhận mới 630 người vào cai nghiện (trong đó: 480 người cai nghiện tự nguyện, 97 người cai nghiện bắt buộc, 53 người nghiện không nơi cư trú). Dự kiến đến ngày 15/12/2021, tiếp nhận mới 700 người, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm. Cơ sở cai nghiện ma túy đã thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các chỉ đạo, quy định, biện pháp trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn tại Cơ sở. Tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở theo hướng cung cấp dịch vụ công. Năm 2021, Cơ sở đã liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề sơ cấp cho 300 học viên, đạt 100% kế hoạch năm, với các nghề như: hàn, chế biến món ăn, trồng hoa…
Giờ học nghề tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh
Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể từng năm cho các địa phương để thực hiện đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lầm lỗi, trong đó có người sau cai nghiện. Năm 2021, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức 05 Hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lầm lỗi,  người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, người sau cai nghiện với hơn 500 lượt người tham dự…
Các địa phương cũng duy trì tốt hoạt động 25 Đội công tác xã hội tình nguyện, 06 mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng và 10 Câu lạc bộ hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy. Qua kiểm tra, giám sát và báo cáo của các địa phương cho thấy, các mô hình đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động theo quy chế, tích cực tham gia, chủ động lồng ghép các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn cho người nghiện, gia đình người nghiện và nhóm người có nguy cơ cao, học sinh, sinh viên trên địa bàn gắn với các hoạt động triển khai xây dựng, phát triển kinh tế xã hội phù hợp với phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương. Cụ thể kết quả là: Đã tham mưu tổ chức, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức 19 Hội nghị tuyên truyền, tập huấn, tư vấn cho cộng tác viên thôn/khu và Nhân dân về kiến thức, kỹ năng dự phòng tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người; 25 cuộc nói chuyện chuyên đề về tác hại của tệ nạn ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; Tiếp cận, tư vấn cho 1.100 lượt người gồm: 567 lượt người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy; 520 lượt là thân nhân người nghiện, người sử dụng ma túy; 13 lượt người nhiễm HIV/AIDS; Hỗ trợ, kết nối 117 người nghiện được điểu trị, cai nghiện ma túy; kết nối, chuyển gửi 186 đối tượng đến cơ sở dịch vụ y tế để khám, chăm sóc sức khỏe; Hỗ trợ, kết nối 08 đối tượng đến cơ sở dịch vụ pháp lý để làm hồ sơ, giấy tờ tùy thân; Tham gia các cuộc vận động, tuyền truyền xuống đường hưởng ứng Thàng hành động phòng chống ma túy 26/6 năm 2021…
Học nghề đan lưới tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh
Trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, năm qua, Sở LĐTBXH đã phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tổng kết, sửa đổi, bổ sung Chương trình phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; thực hiện tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ cho 02 nạn nhân là trẻ em bị mua bán qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó tháng 6/2021, thực hiện trao trả 01nạn nhân cho Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam theo quy định. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai các hoạt động trong khuôn khổ dự án"Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại tỉnh Quảng Ninh” do tổ chức World Vision International tại Việt Nam tài trợ với tổng kinh phí dự án được phê duyệt tại tỉnh Quảng Ninh trên 1,1 tỷ đồng. Dự án đã triển khai được nhiều hoạt động quan trọng và ý nghĩa trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về  như: Tổ chức 07 hoạt động khảo sát, đánh giá đầu kỳ với sự tham gia của 131 cán bộ các cấp và người dân tại 05 phường. Tổ chức 02 lớp tập huấn mô hình thăm hộ cho cán bộ công tác xã hội các cấp và cộng tác viên tại cộng đồng với sự tham gia của 82 cán bộ các cấp và cộng tác viên tại 05 phường. Hướng dẫn cộng tác viên tại   cộng đồng tổ chức rà soát đối tượng đích để xây dựng kế hoạch hoạt động hỗ trợ tại 05 phường tham gia Dự án. Tổ chức 01 lớp tập huấn cho tư vấn viên đường dây nóng 111 và cán bộ thuộc các ban ngành liên quan của TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh thực hành chuyên sâu về chuyển tuyến trong hỗ trợ nạn nhân. Tổ chức tư vấn cá nhân/tư vấn nhóm cho 15 đối tượng đích của dự án về lập và hoàn thiện kế hoạch triển khai hoạt động sinh kế. Trao tặng thiết bị, vật nuôi hỗ trợ sinh kế cho 07 đối tượng đích thuộc các nhóm kinh doanh đồ uống giải khát, chế biến hải sản, kinh doanh thực phẩm và chăn nuôi gia cầm tại phường Cao Thắng, Tuần Châu, Cao Xanh, Bạch Đằng. Tập huấn về giảm thiểu rủi ro trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm và phát triển khách hàng mới và cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả trong sản xuất kinh doanh…
Với những việc làm cụ thể, thống nhất và đồng bộ trong hành động, dựa vào quần chúng nhân dân, cấp uỷ, chính quyền các cấp, năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo chặt chẽ, phát động mọi tầng lớp xã hội, tạo được sức mạnh toàn dân trong “cuộc chiến”phòng, chống tệ nạn xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, tại Quảng Ninh, tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy tại các địa phương vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều;     đặc biệt tình hình sử dụng và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp trong lứa     tuổi thanh, thiếu niên vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác điều trị, cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng chưa cao, còn mang tính hình thức. Nguyên nhân chủ yếu do cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, không được đào tạo cơ bản về cai nghiện ma túy trong khi khối lượng công việc cán bộ xã nhiều; vẫn còn tâm lý coi người nghiện là tội phạm, cai nghiện thuộc trách nhiệm của Sở Lao động - TB&XH và muốn đưa người nghiện đi cai tập trung để ổn định, “trong sạch địa bàn”; chưa có chế tài hay quy định xử lý đối với địa phương không tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc nắm tình hình, thống kê người tham gia hoạt động mại dâm chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến khó khăn cho triển khai các hoạt động kiềm chế phát sinh cũng như hỗ trợ giảm hại. Nguyên nhân chủ yếu do quy định của Nhà nước chưa rõ ràng về việc lập hồ sơ quản lý; đối tượng tham gia hoạt động bán dâm thường xuyên di biến động; Hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi; chất lượng hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 178 ở một số địa phương còn hạn chế, kết quả kiểm tra chưa có tính điển hình, xử lý chưa đủ sức răn đe.
Công tác kiểm tra của cơ quan quản lý các cấp chưa thường xuyên, chưa sâu và thiếu quyết liệt, chưa có biện pháp, chế tài xử lý phù hợp với đơn vị, địa phương không thực hiện đầy đủ, đúng quy định của Pháp luật về phòng, chống mại dâm và cai nghiện ma túy nên hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực cai nghiện, quản lý sau cai chưa cao. Sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội chưa thường xuyên và chưa huy động được cộng đồng chung tay thực hiện.
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thủ động, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, tập trung tham mưu, triển khai các nhiệm vụ theo các kế hoạch của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và mua bán người. Tập trung các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, cảnh báo về hiểm họa ma túy đối với con người và xã hội; tình hình tệ nạn mại dâm, mua bán người hiện nay; Quan điểm của Đảng, Nhà nước về nghiện, cai nghiện ma túy, công tác hỗ trợ cai nghiện ma túy và các chế độ, chính sách của Nhà nước, của Tỉnh; tác hại, nhận diện đối với hành vi mại dâm, mua bán người và các chính sách thực hiện công tác phòng chống mại dâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực.
Tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, công tác viên làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội các cấp. Cập nhật, củng cố đầy đủ cơ sở dữ liệu về phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và nạn nhân bị mua bán trở về; khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy lựa chọn hình thức cai nghiện phù hợp; Nâng cao chất lượng cai nghiện ma túy tập trung; Tổng kết Đề án thí điểm cai nghiện ma túy bằng thuốc Cedemex và phần mềm quản lý người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình hỗ trợ giảm hại trong phòng chống mại dâm tại cộng đồng. Đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lục kiểm tra liên ngành phòng chống tệ nạn mại dâm các cấp. Phối hợp chặt chẽ cùng các ngành, địa phương đảm bảo kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Thường xuyên nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho cơ sở trong quá trình triển khai nhiệm vụ, thực hiện việc kiểm tra theo kế hoạch trong đó tăng cường các hoạt động nắm địa bàn, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh./.
Mỹ Hạnh