Xã hội
Quảng Ninh: Nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phòng, chống mại dâm
01:50 PM 05/12/2016
LĐXH - Trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình phòng, chống mại dâm được các cấp, các ngành và địa phương tỉnh Quảng Ninh triển khai đồng bộ từ tỉnh tới xã, phường, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn mại dâm và tình hình tội phạm liên quan đến tệ nạn mại dâm...

Giải cứu kịp thời nhiều phụ nữ bị bán sang Trung Quốc

với mục đích  phục vụ mại dâm. Ảnh minh họa

Theo báo cáo, trên địa bàn Quảng Ninh có hơn 2.119 cơ sở kinh doanh dịch vụ, gồm 283 khách sạn, 1.042 nhà nghỉ, 168 nhà hàng, 04 vũ trường, 221 karaoke, 304 quán bar, cà phê, giải khát, 97 cơ sở xông hơi, masage. Trong đó có 87 cơ sở có nghi vấn liên quan đến hoạt động mại dâm (gồm: 15 khách sạn, 23 nhà nghỉ, 06 nhà hàng, 09 karaokê, 19 quán bar, cà phê, giải khát, 07 cơ sở xông hơi, masage) với số đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động mại dâm có 119 đối tượng, gồm: 22 chủ chứa, 15 môi giới mại dâm, 82 gái bán dâm.
Nhằm hạn chế tệ nạn mại dâm trên địa bàn, các cấp uỷ đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng địa bàn, địa bàn trọng điểm. Nội dung, phương pháp tuyên truyền đã thiết thực hơn, lồng ghép giữa tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội với vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, chủ động phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, được quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội.
Trong 5 năm (2011-2015), Sở Lao động-TBXH đã tham mưu cho tỉnh xây dựng mới 10 xã, phường lành mạnh (nâng tổng số lên 122/186 xã, phường). Duy trì 15 Đội công tác xã hội tình nguyện, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở. Các Hội nghị giao ban, tập huấn nâng cao nghiệp vụ được tổ chức hằng năm nhằm nâng cao năng lực cho các thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện, lãnh đạo các xã, phường.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng 08 mô hình phòng ngừa tệ nạn mại dâm và hỗ trợ người bán dâm ổn định cuộc sống tái hoà nhập cộng đồng và triển khai tại 5/8 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm về tệ nạn mại dâm. Triển khai mô hình “Thực hiện kết hợp các biện pháp can thiệp giảm hại về HIV/AIDS và hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm” tại thành phố Hạ Long giai đoạn 2013 – 2015. Phối hợp với tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ triển khai xây dựng thí điểm mô hình tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cộng đồng trong phòng chống mại dâm tại địa bàn triển khai mô hình, ngăn chặn phát sinh mới tệ nạn mại dâm, phòng ngừa HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Ngoài ra, công tác kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm được tiến hành ở cả 3 cấp. Trong 5 năm (2011-2015), Đội Kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh và các địa phương đã kiểm tra trên 1.800 cơ sở, xử lý và phạt tiền 74 cơ sở vi phạm 172,7 triệu đồng. Qua kiểm tra đã lập biên bản, đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng ra quyết định xử phạt đối với các cơ sở vi phạm; nhắc nhở, chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đúng các quy định của pháp luật, có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn mại dâm, ma tuý, cờ bạc phát sinh tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ... Nhìn chung, tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tiếp tục được kiểm soát, trên địa bàn tỉnh không có tụ điểm nóng, hoạt động phức tạp gây bức xúc trong nhân dân.
Tuy nhiên, Quảng Ninh là một địa bàn trọng điểm về công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch do đó công tác kiểm soát tệ nạn xã hội còn gặp khó khăn, số phụ nữ là nạn nhân bị mua bán vào tệ nạn mại dâm và số gái mại dâm là người tỉnh ngoài đến Quảng Ninh còn diễn biến phức tạp, nhất là địa bàn trọng điểm. Đối tượng hoạt động mại dâm với nhiều phương thức mới tinh vi, nhiều thủ đoạn như núp dưới danh nghĩa là nhân viên tại các quán Karaoke, vũ trường, nên rất khó khăn phát hiện, điều tra xử lý; Việc triển khai và tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tệ nạn mại dâm ở một số địa phương còn hạn chế, việc phối hợp giữa các ngành còn chưa chặt chẽ. Lực lượng tham gia phòng chống tệ nạn mại dâm còn mỏng và yếu, kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau...
Vì vậy, thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện Kế hoạch, chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2015-2020; Nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra Liên ngành phòng chống mại dâm và chất lượng hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện; Duy trì, mở rộng quy mô các xã, phường, thị trấn xây dựng lành mạnh, đồng thời nhân rộng các mô hình, điển hình trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội./.

PV