Xã hội
Quảng Ninh: Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
02:45 PM 15/03/2021
Quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn hướng đến. Những năm qua, nhiệm vụ này được cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh quan tâm với nhiều cơ chế, chính sách, việc làm thiết thực. Một trong số đó là tạo sinh kế để giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống cho người dân vùng đồng bào DTTS, qua đó, phát triển bền vững KT-XH khu vực này.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký trò chuyện với các đại biểu DTTS tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V.
Là địa phương có tỷ lệ người dân là đồng bào DTTS đông nhất trong toàn tỉnh với nhiều địa bàn dân cư khó khăn, huyện Bình Liêu luôn xác định phải tập trung phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho bà con. Bằng việc vận dụng linh hoạt các chính sách về dân tộc, nhất là những chính sách đặc thù về phát triển KT-XH, đời sống của đồng bào DTTS huyện Bình Liêu đã có nhiều khởi sắc. Nhiều chương trình, dự án đã phát huy hiệu quả, như: Chương trình 135; xây dựng NTM; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020... đã tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ DTTS nghèo.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện, những chương trình, chính sách phát triển sản xuất, giảm nghèo cho khu vực miền núi, DTTS đã từng bước thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Từ huyện có tỷ lệ hộ nghèo gần 50%, đến nay đã giảm còn 3,15%. Huyện đã đưa tất cả các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK theo Chương trình 135 từ năm 2019, trước 1 năm so với lộ trình đề ra. Đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS được nâng lên; khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền rút ngắn. Đồng bào ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tích cực thi đua lao động, sản xuất, giảm nghèo, tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hiện nay, huyện đang nỗ lực để đạt chuẩn NTM.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS, miền núi. Đặc biệt, thông qua chương trình 135, Đề án 196 và chương trình xây dựng NTM, diện mạo vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới đã có nhiều đổi mới, cơ sở hạ tầng các xã khu vực khó khăn đã từng bước được đầu tư, cải thiện; chính sách an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; đời sống nhân dân cũng được nâng lên.
Phụ nữ dân tộc Dao ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, thêu trang phục truyền thống.
Tuy nhiên, KT-XH ở vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vẫn còn khó khăn; khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản so với các vùng miền còn khá lớn và chậm được rút ngắn. Tỷ lệ hộ nghèo tại vùng DTTS vẫn còn cao so với mặt bằng chung của cả tỉnh. Bên cạnh đó, Quảng Ninh có đặc thù riêng là tỉnh có đường biên giới đất liền dài, đây cũng là địa bàn cư trú của trên 80% đồng bào DTTS, là khu vực trọng yếu cần được quan tâm đầu tư nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng.
Để giải quyết vấn đề này, Quảng Ninh cũng đang xây dựng Đề án phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo. Đề án này là bước phát triển tiếp theo của Đề án 196 ở mức cao hơn, gắn với Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, gắn với mục tiêu xây dựng NTM bền vững, nâng cao, kiểu mẫu, không để ai bị bỏ lại phía sau. 
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, kỳ vọng từ Đề án này là thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đến năm 2025, sẽ hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.  Từ đó, từng bước nâng cao mức sống, thu nhập của người dân khu vực này. Đồng thời, thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu xóa chênh lệch vùng miền, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong thời gian sớm nhất, tạo sự phát triển bền vững của tỉnh.
Nguyên Ngọc