Xã hội
Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành việc giải quyết hồ sơ tồn đọng của người có công trong năm 2017
12:10 PM 23/05/2017
2017 là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 (1947-2017), đây cũng là năm được ngành LĐ-TB&XH xác định là “Năm đền ơn, đáp nghĩa”. Chính vì vậy, Quảng Ninh đặt quyết tâm giải quyết hồ sơ tồn đọng của người có công trong năm nay.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2017, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây là những hồ sơ đã được lập trước ngày 1-7-2013 theo đúng quy định nhưng còn thiếu giấy tờ, thủ tục; hồ sơ đã thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; hồ sơ đang lưu trữ tại Sở LĐ-TB&XH, Bộ CHQS tỉnh và Công an tỉnh.
Người có công với nước luôn được quan tâm, chăm lo chu đáo.
Do tính chất quan trọng, phức tạp của việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng, ngày 20-3 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã có Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ban hành kèm Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Đây là cơ sở để các địa phương, trong đó có Quảng Ninh tập trung triển khai giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ và UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai việc giải quyết hồ sơ tồn đọng trên địa bàn tỉnh; phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương; xác định thời hạn hoàn thành công việc ở từng cấp.
Sở tiếp tục tham mưu đề xuất với UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xác nhận người có công cấp tỉnh và thành lập Tổ xác minh hồ sơ xác nhận người có công. Ngày 21-4 tới đây, Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng theo quy trình của Bộ LĐ-TB&XH và kế hoạch của UBND tỉnh. Căn cứ vào kế hoạch của UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương để tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Khó khăn nhất của việc giải quyết hồ sơ tồn đọng của người có công đó là do yếu tố lịch sử, nhiều hồ sơ tồn đọng khá lâu; tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn lưu giữ hồ sơ gốc. Nhiều trường hợp hồ sơ còn những điểm mâu thuẫn; chưa rõ hoặc thiếu cơ sở pháp lý. Do đó, việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng của người có công phải được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện; về thủ tục cần xem xét, vận dụng cụ thể cho từng trường hợp, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Đồng thời tích cực tìm kiếm, khai thác mọi nguồn thông tin, mọi căn cứ có cơ sở phục vụ việc xác nhận người có công. Đây cũng là lý do phải thành lập Ban Chỉ đạo xác nhận người có công tỉnh và Tổ xác minh từ cấp cơ sở tới cấp tỉnh. Tổ xác minh có trách nhiệm xác minh những nội dung mà hồ sơ tồn đọng còn chưa rõ, mâu thuẫn nhằm củng cố cơ sở pháp lý.
Để gnăn ngừa, hạn chế tình trạng hồ sơ giả, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện xác lập hồ sơ, các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm nếu có. Bên cạnh đó, để đảm bảo chặt chẽ, khách quan, minh bạch, Sở đã thành lập Tổ thẩm định hồ sơ người có công. Đồng thời, Sở cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường chỉ đạo việc thẩm định hồ sơ người có công đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định ngay từ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn.

Phương Thúy