Xã hội
Quảng Ninh: Nỗ lực thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ
10:16 AM 25/08/2021
(LĐXH) – Tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 60% trở lên các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh, UBND và HĐND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 80% trở lên các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội có lãnh đạo quản lý là nữ; Tỷ lệ lao động nữ làm công việc hưởng lương đạt 50%...

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 60% trở lên các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh, UBND và HĐND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 80% trở lên các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội có lãnh đạo quản lý là nữ; Tỷ lệ lao động nữ làm công việc hưởng lương đạt 50%; 80% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hoà nhập cộng đồng; 70% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; Tỷ lệ nữ thạc sỹ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ từ năm 2025 đạt từ 50% trở lên…

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức gặp mặt nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện tháng 3/2020

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh cũng đề ra nhiều giải pháp cụ thể và ngay trong những tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác BĐG và VSTBPN, như: Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG và Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Quảng Ninh; Kế hoạch hỗ trợ dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, trong đó có lao động nữ và văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và công tác VSTBPN năm 2021.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG và Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2030 và chương trình, kế hoạch năm 2021 của đơn vị, địa phương. Trong đó, Ban VSTBCPN tỉnh đã ban hành chương trình công tác năm 2021 để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các Sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các mục tiêu, chỉ tiêu về BĐG và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản hướng dẫn công tác trẻ em và BĐG năm 2021 và nhiều văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ về công tác BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách bảo trợ xã hội, dạy nghề, hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid trong đó đối tượng phụ nữ và trẻ em hưởng lợi; Trình UBND tỉnh kiện toàn Ban VSTBPN và Ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em, ban hành cơ chế phối hợp liên ngành phòng phòng chống bạo lực giới, xâm hại trẻ em, triển khai thí điểm Mô hình Thành phố an toàn, thân thiện chống quấy rối, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em và 11 Mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại 10/13 huyện, thị xã, thành phố.

Công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BĐG cũng được đẩy mạnh nhằm thay đổi nhận thức và hành vi cùa người dân về giới và BĐG. Cùng với đó, các sở, ban, ngành cũng triển khai nhiều hoạt động, thí điểm mới và duy trì nhiều mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo việc thực hiện pháp luật về BĐG cũng được đẩy mạnh nhằm đảm bảo công tác BĐG và VSTBPN được thực hiện hiệu quả ở các địa phương, đơn vị.

Thực hiện mục tiêu tăng tỉ lệ nữ tham gia vào đại biểu HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2021-2026 (đảm bảo ít nhất 35% tổng số người trong danh sách đề cử, ứng cử ĐBQH, HĐND là phụ nữ và phấn đấu tỷ lệ nữ trúng cử là 30%) ngay từ đầu năm 2021, Ban VSTBPN tỉnh đã yêu cầu Ban VSTBPN các Sở, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BĐG và VSTBPN; về vai trò, vị trí của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị…; Tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý cho đội ngũ cán bộ nữ; Quan tâm rà soát tình hình chất lượng cán bộ nữ để đề xuất việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ theo lộ trình phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương; Tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực về BĐG, VSTBPN...

Đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trao Bằng khen cho 34 nữ doanh nhân, nữ chủ hộ có thành tích xuất sắc
trong thi đua phát triển kinh tế và phong trào phụ nữ giai đoạn 2016 - 2020.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tích cực chỉ đạo Hội các cấp giới thiệu phụ nữ tiêu biểu làm nguồn ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực cho nữ ứng cử; thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, nắm tình hình triển khai nhiệm vụ công tác Hội và công tác chuẩn bị Đại hội phụ nữ các cấp cơ sở nhiệm kỳ 2021-2026 đồng thời nắm bắt tình hình công tác chuẩn bị nhân sự nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Kết quả giới thiệu nhân sự nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 (vượt yêu cầu tỉ lệ nữ Trung ương quy định trên 35%), cụ thể: Sau ba lần hiệp thương: Nữ ứng cử đại biểu Quốc Hội là 04/10 đạt tỷ lệ 40%; Nữ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh là 55/110 người đạt tỷ lệ 50%; Nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện là 318/692 người đạt tỷ lệ 45,95%; Nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp xã là 2.741/6.232 người đạt tỷ lệ 43,98%. Kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu HĐND các cấp vượt mục tiêu đề ra và cao hơn tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cùng cấp của quốc gia: nữ đại biểu HDND cấp tỉnh 27 người đạt tỷ lệ 40,9% (cao hơn tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh của quốc gia 11,91%); cấp huyện: 143 người đạt tỷ lệ 34,05% (cao hơn tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp huyện của quốc gia 4,97%); cấp xã 1359 người đạt tỷ lệ 36,36% (cao hơn tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp xã của quốc gia 7,41%).

Hy vọng rằng, với nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, trong thời gian tới, công tác BĐG và VSTBPN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Góp phần khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước./.