Xã hội
Quảng Ninh nỗ lực phát triển nghề công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp
02:46 PM 30/09/2019
(LĐXH)-Tiến tới Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) một cách chuyên nghiệp là mục tiêu Quảng Ninh đang nỗ lực hướng tới để giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế ngay tại địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt và có hiệu quả Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề Công tác xã hội. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 32 là đó là thành lập Trung tâm Công tác xã hội để cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho cộng đồng. Năm 2010, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã thành lập và đi vào hoạt động, bước đầu đã triển khai cung cấp một số dịch vụ công tác xã hội trợ giúp các đối tượng yếu thế, trong đó ưu tiên đối tượng trẻ em.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Quảng Ninh nhận thấy rằng: việc triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội chỉ thực hiện tập trung ở tuyến tỉnh là chưa đủ bởi các đối tượng, nhất là các đối tượng yếu thế và các vấn đề xã hội cần được can thiệp lại thường xảy ra ở tuyến cơ sở là chủ yếu, hơn nữa không phải đối tượng yếu thế nào trong cộng đồng cũng có cơ hội và điều kiện tiếp cận các đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở tuyến tỉnh (mặc dù họ có nhu cầu). Với nhận thức trên, năm 2012 đồng thời với việc duy trì các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở cấp tỉnh thì Quảng Ninh đã triển khai thực hiện xây dựng thí điểm mô hình Hệ thống Văn phòng Công tác xã hội tại 4 huyện.
Cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) thẩm định hoàn cảnh của bà Vũ Thị Lan (khu 1, phường Phong Hải, TX Quảng Yên). Ảnh: Phạm Ngoan
(Trung tâm Bảo trợ xã hội).
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 16 văn phòng CTXH các cấp, bao gồm 04 Văn phòng CTXH cấp huyện, thành phố tại Móng Cái, Hạ Long, Tiên Yên, và thị xã Quảng Yên; 08 Văn phòng CTXH cấp xã/phường tại xã Hải Đông (thành phố Móng Cái); phường Cao Thắng, Bãi Cháy, Đại Yên (thành phố Hạ Long); xã Đông Ngũ, Yên Than (huyện Tiên Yên); xã Liên Hòa, phường Hà An (thị xã Quảng Yên); và 04 Văn phòng CTXH tại Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc, THCS Việt Hưng (thành phố Hạ Long); Trường THCS thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên); Trường THCS Trần Hưng Đạo (thị xã Quảng Yên).
Hệ thống Văn phòng CTXH mặc dù mới được thành lập năm 2013 nhưng đến nay đã thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn cho đối tượng. Đội ngũ cán bộ nhân viên tại hệ thống Văn phòng CTXH có trình độ tương đối cao, họ đều là những người làm việc kiêm nhiệm tại phòng Lao động- TBXH các huyện, thị, cán bộ các ngành như Tư pháp, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch UBND các xã, phường, hiệu trưởng hoặc giáo viên các trường học. Trong đó có 02/56 người có trình độ Thạc sĩ, 48/56 người có trình độ Đại học, 03/56 người có trình độ Cao đẳng, 03/56 người có trình độ Trung cấp. Do vậy,  việc triển khai các hoạt động đều đạt kết quả khả quan, giúp đối tượng giải quyết được vấn đề.
Có thể nói, Quảng Ninh là một trong những tỉnh phát triển nghề CTXH sớm trong cả nước, hiện mạng lưới CTXH đã bao phủ rộng khắp. Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã nghiên cứu, hoạt động hợp lý, tổ chức mạng lưới trợ giúp linh hoạt qua hệ thống văn phòng CTXH tại các huyện, thị xã, thành phố; Nâng cao hiệu quả hỗ trợ của đội ngũ cộng tác viên CTXH. Riêng tổng đài miễn phí 18001769 đã tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi với nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều đối tượng có nhu cầu tư vấn, cung cấp thông tin đã được đáp ứng. Trung tâm cũng tăng cường thực hiện mô hình cá nhân và gia đình nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Mô hình trợ giúp trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật trong và sau giáo dưỡng;... Qua đó, tạo cho trẻ có được môi trường sống tốt hơn, có điều kiện để hoà nhập và phát triển toàn diện hơn, góp phần ngăn cản các nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của trẻ.
Hiện nay, với 27 cán bộ, viên chức và người lao động, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ, triển khai nhiều mô hình dịch vụ CTXH có hiệu quả và các hoạt động có ý nghĩa trong các lĩnh vực phát triển cộng đồng.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng chú trọng và quan tâm bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề cho cán bộ làm CTXH. Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, người dân về nghề, nội dung của hoạt động CTXH. Từ năm 2018 đến nay, Sở đã mở 38 lớp truyền thông tư vấn, tập huấn về nâng năng lực cho cán bộ cấp thôn, khu, người khuyết tật, trên địa bàn tỉnh theo Đề án trợ giúp người khuyết tật; hoạt động chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi; công tác giảm nghèo cho đội ngũ trưởng thôn, bản, khu phố... tại 11 địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, sự đoàn kết, chia sẻ trong hoạt động CTXH cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền tại cơ sở.
Bà Trần Thị Tâm, Phó Phòng LĐ-TBXH huyện Vân Đồn, cho biết: CTXH là một nghề đòi hỏi sự khéo léo để giúp các cá nhân, gia đình, cộng đồng, đối tượng xã hội yếu thế tự vươn lên hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, người làm công tác tuyên truyền cần phải có kinh nghiệm, ứng phó với những hoàn cảnh để hoàn thành tốt công việc. Hằng năm, Phòng đều cử cán bộ tham gia các lớp truyền thông tư vấn và đào tạo về CTXH của tỉnh. Qua đó công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ tại cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự tin tưởng và hợp tác của người dân trong nhiều lĩnh vực.
Phát triển nghề CTXH trong cộng đồng là cách thiết thực nhất để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp; trợ giúp các đối tượng yếu thế; thực hiện các biện pháp ngăn chặn loại bỏ những nguy cơ dẫn đến bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi… Phát triển tốt nghề CTXH sẽ là giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội ngay tại địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển xã hội công bằng, hài hoà và bền vững.
Xuất phát từ mục tiêu đó, Trung tâm Công tác xã hội (Sở LĐ-TB&XH) đã nghiên cứu, đưa ra cách thức hoạt động hợp lý, tổ chức mạng lưới trợ giúp linh hoạt qua: Hệ thống văn phòng CTXH tại các huyện, thị xã, thành phố; nâng cao hiệu quả hỗ trợ của đội ngũ cộng tác viên CTXH; tổng đài tư vấn miễn phí, tiếp nhận thông tin… Qua đây, các nhân viên, cộng tác viên CTXH tiếp nhận yêu cầu của đối tượng, lắng nghe, tìm ra các hướng tư vấn, hỗ trợ, can thiệp…, giúp các đối tượng tiếp cận dễ dàng khi có nhu cầu. Từ đó, mở ra cơ hội trợ giúp tới nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội, như: Người nghèo, người bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật..., giúp họ giải quyết các khó khăn, từng bước tự vươn lên trong cuộc sống.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, để công tác trợ giúp xã hội và nghề CTXH một cách chuyên nghiệp, ngày càng phát triển, thực hiện tốt Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh, thời gian tới Sở tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm CTXH, hình thành được một hệ thống cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp, toàn diện,  góp phần tích cực đối với việc nâng cao chất lượng công tác xã hội, phối hợp lồng ghép với công tác giáo dục đào tạo./.
 
Mỹ Hạnh