Xã hội
Quảng Ninh: Nhiều việc làm thiết thực chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
02:13 PM 28/10/2020
(LĐXH) – Thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều quan tâm tới công tác chăm sóc trẻ em có HCĐB. Đến nay, 100% trẻ em có HCĐB được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng.
Tính đến 30/5/2020, toàn tỉnh Quảng Ninh có 321.128 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 145.829 trẻ em dưới 6 tuổi; 3.201 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 15.914 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là đối với các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các nhà hảo tâm tặng quà cho trẻ em có HCĐB
tại Cơ sở chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh
Tỉnh đã bố trí ngân sách, bộ máy tổ chức để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như phát triển các dịch vụ trợ giúp trẻ trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của trẻ. Hàng năm vận động các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trường học, lực lượng vũ trang nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Quốc tế thiếu nhi; vận động ủng hộ, xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em, tạo nguồn lực để hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Việc chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em được triển khai đồng bộ. 

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã chủ động ban hành các chính sách đặc thù riêng để hỗ trợ cho những mục tiêu vì trẻ em. Nổi bật trong đó là chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước trên địa bàn tỉnh, theo Nghị quyết số 47/2011/NQ-HĐND, Nghị quyết 222/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết 91/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Theo đó, trẻ em có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, chưa thuộc diện được hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước (như: Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ thuộc hộ nghèo, cận nghèo; trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo…) sẽ được hỗ trợ 100% học phí khi học các trường công lập; hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ, chi phí khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, không có nguồn nuôi dưỡng, dưới 48 tháng tuổi được hỗ trợ bằng 70% mức lương cơ sở/tháng; trẻ từ 48 tháng tuổi đến dưới 16 tuổi được hỗ trợ bằng 50% mức lương cơ sở/tháng; hỗ trợ 1 lần mức 6 triệu đồng/trường hợp trẻ em là nạn nhân bị tử vong do các nguyên nhân xâm hại tình dục, tai nạn thương tích hoặc bị bạo lực; hỗ trợ mức 5 triệu đồng/trường hợp trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, trẻ em bị tai nạn thương tích hoặc bị bạo lực có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên... Từ năm 2012 đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có hơn 66.200 lượt trẻ em được hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội, miễn giảm học phí và chi phí học tập, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, hỗ trợ đột xuất… theo chính sách trên, với tổng kinh phí là gần 85 tỷ đồng.

Giáo dục hoà nhập dành cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh

Các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và nhà hảo tâm đã ủng hộ gần 76,5 tỷ đồng, hỗ trợ cho 292.230 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2013, Tỉnh đoàn tổ chức các hoạt động đỡ đầu thường xuyên, kết nghĩa Liên đội, thăm, tặng quà cho 24.207 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, Tháng hành động vì trẻ em với tổng kinh phí gần 5,5 tỷ đồng; vận động đỡ đầu thường xuyên 1.726 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với mức trung bình từ 150.000 - 200.000 đồng/tháng/trẻ; tổ chức triển khai các công trình, phần việc “Vì đàn em thân yêu”, khởi công xây dựng và khánh thành 11 “Ngôi nhà khăn quàng đỏ” tại Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Đông Triều, Quảng Yên cho 11 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt. Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh mỗi năm vận động trung bình được 01 tỷ đồng. Qua đó đã trao 750 góc học tập; 2.284 suất học bổng (trị giá 1 triệu đồng/suất); khen thưởng cho 1.929 học sinh khuyết tật và mồ côi học giỏi (500.000đ/suất); trợ giúp 144 trẻ em nghèo; trao 1.151 xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ nhà tình thương cho 46 gia đình có trẻ em mồ côi, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn; trợ giúp chỉnh hình, phục hồi chức năng, mổ tim cho trẻ em; thăm hỏi, trợ giúp 540 đối tượng trẻ em khuyết tật, mồ côi khó khăn… Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ninh vận động được 18,2 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ cho 30.303 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai nhiều mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em như: Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có HCĐB; Dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Mô hình phòng ngừa trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS… đã góp phần chăm sóc tốt hơn cho trẻ em. Số trẻ em có HCĐB, trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB trên địa bàn tỉnh đã giảm, tỷ lệ trẻ em có HCĐB, trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB được chăm sóc ngày càng tăng, ước năm 2020, 100% trẻ em có HCĐB được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XV, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng đã thống nhất thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, bổ sung thêm các đối tượng hỗ trợ là trẻ mắc bệnh hiểm nghèo điều trị dài ngày; trẻ có bố mẹ ly hôn mà cha hoặc mẹ nuôi dưỡng bị chết; trẻ có cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù mà người còn lại thuộc hộ nghèo, cận nghèo... Mục tiêu là đảm bảo cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK trên địa bàn tỉnh được hưởng các điều kiện chăm sóc ở mức cao hơn bình quân chung của cả nước./.

Nguyễn Hiền