Lao động
Quảng Ninh: Nhiều giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động
09:05 AM 16/11/2021
(LĐXH) – Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực lao động, việc làm, gây tình trạng thiếu hụt lao động trong các ngành nghề ở Quảng Ninh. Trước thực trạng đó, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Thực trạng thiếu hụt lao động
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, một số doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, tình hình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động tạm thời, nhưng khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh lại gặp khó khăn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại làm việc. Dự kiến năm 2022 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có nhu cầu tuyển khoảng 4.000 đến 8.000 lao động.
Đối với lĩnh vực Du lịch - Dịch vụ. Đến thời điểm hiện tại, ngành Du lịch - Dịch vụ của tỉnh vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nên không bị thiếu hụt nhân lực. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch - dịch vụ khôi phục hoạt động hoàn toàn thì khả năng thiếu hụt khoảng 20.000 lao động trong lĩnh vực này, tuy nhiên sẽ khôi phục dần và phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Do nhiều lao động trong lĩnh vực này đã nghỉ việc, chuyển đổi công việc sang các lĩnh vực khác.
Dự báo thị trường lao động sẽ có sự dịch chuyển từ nhóm ngành Du lịch - Dịch vụ
sang nhóm ngành Công nghiệp - Xây dựng - Sản xuất chế biến, chế tạo
Thực trạng thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu công nghiệp. Hiện tại, các Khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh có 101 dự án đầu tư trong đó có 65 dự án FDI và 36 dự án trong nước. Tổng vốn đăng ký đầu tư là 108.825 tỷ đồng (tương đương 4.731,5 triệu USD), trong đó dự án FDI là 3.942,85 triệu USD và dự án trong nước là 18.139,1 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN là 56 đơn vị (trong đó có 31 doanh nghiệp FDI) với các ngành nghề chủ yếu là: điện - điện tử - cơ khí 15%, dệt may 18%, công nghiệp chế biến chế tạo khác 57%; Số lao động trong các KCN khoảng 33.200 lao động (trong đó có khoảng 20.900 lao động nữ (chiếm 63%), số lao động người nước ngoài là 799 người.
Hiện nay, với tốc độ phát triển nhanh của các dự án trong các KCN trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp trong KCN tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là các dự án dệt may, điện tử.... Vì vậy, các KCN đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, thu hút lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao. Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các dự án trong KCN trong thời gian tới sẽ tăng cao (dự kiến đến năm 2025 số lao động tăng thêm khoảng 28.700 lao động) do các dự án lớn đang trong giai đoạn triển khai đầu tư, chuẩn bị vào hoạt động, một số doanh nghiệp tiếp tục tăng quy mô, công suất thiết kế. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025: Quý IV/2021, 05 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 3.228 lao động (trong đó 2.970 lao động phổ thông, 258 lao động có trình độ); Năm 2022 là 13.489 lao động; từ năm 2023-2025 là 11.695 lao động.
Thông qua công tác tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, Sở LĐTBXH dự báo thị trường lao động sẽ có sự dịch chuyển từ nhóm ngành Du lịch - Dịch vụ sang nhóm ngành Công nghiệp - Xây dựng - Sản xuất chế biến, chế tạo. Đến hêt tháng 10/2021, thông qua các hoạt động ngày hội việc làm và xuất khẩu lao động, tư vấn định hướng nghề nghiệp và cung cấp thông tin thị trường lao động tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, các sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐTBXH) tổ chức, có kết nối online với các tỉnh thành khu vực phía Bắc, hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm hằng ngày đã giúp lượng lớn người lao động kết nối được với người sử dụng lao động cụ thể: Hoạt động sàn giao dịch việc làm online kết nối với các tỉnh phía Bắc đã thu hút 200 DN tham gia sàn, tại điểm kết nối Quảng Ninh 132 lao động tham gia, trúng sơ tuyển 60 lao động; Ngày hội việc làm và xuất khẩu lao động: thu hút được 71 DN tham gia tuyển dụng; số lao động tham gia 500 lao động, số lao động trúng sơ tuyển là 255 lao động; Hoạt động sàn giao dịch việc làm định kỳ: thu hút 565 lượt DN, số lao động tham gia 633 lao động, số lao động trúng sơ tuyển là 444 lao động; Hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp và cung cấp thông tin thị trường lao động năm 2021 tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh: 07 trường THPT, với sự tham gia 4.500 học sinh;   Hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm hằng ngày: tư vấn chính sách việc làm, học nghề cho NLĐ và NSDLĐ với 11.920 ca; giới thiệu việc làm cho 4.246 lượt người.
Các giải pháp khắc phục và phục hồi, phát triển thị trường lao động
Để phục hồi và phát triển thị trường lao động, Sở LĐTBXH đề xuất một số giải pháp, cụ thể như: Tiếp tục kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống ý tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xây dựng các phương án, kế hoạch phòng, chống dịch, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, xây dựng các kế hoạch đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”, vừa an toàn sản xuất và đảm bảo tuyệt đối sức khỏe của người lao động.
Nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động, tình hình sử dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và tình hình thiếu hụt lao động của các đơn vị, doanh nghiệp để tiếp tục phối hợp thông tin, tuyên truyền, tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị; đồng thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề kịp thời nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp để xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo nghề trung và dài hạn để đáp ứng nguồn lao động chất lượng, cung ứng kịp thời cho các doanh nghiệp, đảm bảo sát nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu thực tế của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; Thực hiện thông tin tuyên truyền kịp thời các chính sách thu hút lao động, chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh; thông tin các nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các địa phương trong và ngoài tỉnh nhằm đáp ứng, thu hút, phát triển nguồn lao động lâu dài.
Thúc đẩy liên kết vùng trong công tác thông tin thị trường lao động. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến UBND các xã, phường, các tỉnh thành lân cận để thông tin, tuyên truyền đến đông đảo người lao động biết, tham gia tuyển dụng, tìm kiếm việc làm, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19 theo các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Người lao động phỏng vấn trực tuyến với doanh nghiệp tại sàn giao dịch việc làm - Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh
Triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch trên địa bàn, trong đó chú trọng khai thác toàn diện thị trường nội địa và quốc tế, phù hợp với tình hình thực tiễn, từng giai đoạn, từng thời kỳ, bảo đảm tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao. Tiếp tục phát triển, mở rộng địa bàn khai thác du lịch; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai các dự án, sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh riêng có và lợi thế khác biệt của các địa phương trong tỉnh trên cơ sở mở rộng không gian phát triển du lịch; nghiên cứu và triển khai sản phẩm du lịch về đêm như khai thác lợi thế ven Vịnh, khu vực Tuần Châu, Bãi Cháy, Hùng Thắng...
Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế; ưu tiên hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động trong các khu công nghiệp và các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, ngành có lợi thế nhằm tạo ra việc làm, góp phần thu hút dân cư đến Quảng Ninh sinh sống, làm việc, nhất là nguồn lao động chất lượng cao từ các địa phương ngoài tỉnh. Triển khai xây dựng kế hoạch với các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng dân số giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là thu hút dân số cơ học thông qua các dự án sản xuất (thu hút lao động chất lượng cao), phát triển thể lực, trí lực, giảm tỷ suất tử vong, cân bằng giới tính khi sinh và tăng tuổi thọ của người dân... Chú trọng việc bố trí quỹ đất xây dựng các khu tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ngành Than và các khu, cụm công nghiệp.
Đẩy mạnh hoạt động trung tâm dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động; tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương, kết nối với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh để chủ động trong công tác tuyển dụng lao động cũng như phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ; chú trọng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo chuyển đổi nghề gắn với nhu cầu thị trường, đào tạo nguồn nhân lực ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để người lao động thích ứng với môi trường việc làm; thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít lao động.
Đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng nhà ở xã hội và phát triển các công trình văn hóa công cộng, tăng cường các hoạt động văn hóa tinh thần công nhân ở các KCN, KKT và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân lao động; bản thân các doanh nghiệp cũng cần tích cực có các chính sách, đãi ngộ giúp người lao động có việc làm phù hợp, thu nhập hợp lý, có cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc lành mạnh, tiến bộ nhằm giữ chân người lao động làm việc ổn định, lâu dài.../.
Nguyễn Hiền