Xã hội
Quảng Ninh tiếp tục lồng ghép tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống mua bán người bán người
11:18 AM 02/12/2022
(LĐXH) - Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới có nhiều cửa khẩu và trở thành địa bàn thuận lợi để các đối tượng tội phạm tìm đến hoạt động, gây mất an ninh trật tự nhất là tội phạm mua bán người...
Nằm trong vùng tam giác kinh tế, Quảng Ninh có 132,8 km đường biên giới trên bộ và khoảng 250km đường biên giới trên biển với nước ngoài. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh có các cửa khẩu kinh tế tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và trở thành một trong những khu vực trọng điểm kinh tế phía Bắc của Tổ quốc. Chính vì vậy, hằng năm lưu lượng người và phương tiện qua lại hai bên biên giới để kinh doanh, buôn bán, du lịch, thăm thân… rất lớn. Cũng chính vì vậy, các đối tượng phạm tội thường sử dụng các chiêu trò với mục đích đưa phụ nữ, trẻ em từ các địa phương các tỉnh phía trong qua Quảng Ninh bán sang Trung Quốc với nhiều mục đích khác nhau, trong đó chủ yếu là bóc lột tình dục và thương mại. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, chặt chẽ, có tổ chức và đã hình thành các đường dây chuyên dụ dỗ, lừa đảo để buôn bán người qua biên giới.
Công an Trung Quốc bàn giao trẻ sơ sinh bị buôn bán cho Công an Quảng Ninh
Với sự phát triển của công nghệ thông tin việc các đối tượng tiếp cận, thao túng các nạn nhận ngày càng dễ dàng và khó phát hiện hơn . Thông qua nền tảng mạng xã hội phổ biến (Zalo, Facebook, Tiktok, Telegram...) các đối tượng tội phạm cấu kết với đối tượng Việt Nam cư trú tại nước ngoài hoặc người nước ngoài chủ động tiếp cận với các nạn nhân với mục đích lấy thông tin và niềm tin của họ như hứa hẹn “Việc nhẹ lương cao”, cho nhận con nuôi vào những gia đình có điều kiện kinh tế cao... Nhưng thực chất các nạn nhận bị cưỡng ép bóc lột dưới nhiều hình thức khác nhau trong thời gian bị buôn bán. Những nạn nhân bị buôn bán sẽ phải làm việc những nơi đánh bắt thủy sản xa bờ dài ngày và sau đó tới đồn điền, làm việc xây dựng tại nhà máy kết hợp bị bóc lột làm thêm công việc nhà trước và sau đó là xây dựng…
Qua đó, những nạn nhân trở về sau các vụ buôn bán người phải đối mặt với nhiều vấn đề trong đó sức khỏe bị hao tổn, dễ bị tổn thương về tâm thần và gây ra rào cản trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Vì họ phải sống và làm việc trong điều kiện hết sức nghèo nàn thiếu thốn, bị bạo hành, lạm dụng, không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và bất kỳ hình thức hỗ trợ nào khác...
Thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 02 trường hợp là phụ nữ được các cơ quan chức năng thành phố Móng Cái bàn giao 01 trường khoảng 60 tuổi; 01 trường hợp sinh năm 1999. Trung tâm đã quản lý và chăm sóc, phối hợp với cơ quan chức năng để xác định quê quán, thân nhân của nạn nhân. Trung tâm đã bàn giao 01 trường hợp cho gia đình, địa phương; 01 trường hợp bàn giao cho Tổ chức Rồng Xanh đưa nạn nhân trở về với mái ấm gia đình. Bên cạnh đó, Trung tâm duy trì Tổng đài tư vấn 18001769, trực 24/24 để tiếp nhận tất cả các trường hợp cần tư vấn, đặc biệt là các trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp như: nạn `nhân bị bạo lực, xâm hại, nạn nhân/thông tin về nạn nhân bị mua bán. Sắp xếp 10 phòng tạm lánh tại Trung tâm và hệ thống cơ sở vật chất của Ngôi nhà Ánh Dương luôn sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp và các nạn nhân bị mua bán. Cung cấp miễn phí thức ăn, nước uống, quần áo và các dụng cụ thiết yếu khác cho các nạn nhân bị mua bán và các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp khi được Trung tâm phát hiện và tiếp nhận. Phối hợp với các ban ngành, chính quyền và các cá nhân khác để cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho nạn nhân như tư vấn tâm lý, kết nối nguồn lực, tìm kiếm địa chỉ, quê quán… cho nạn nhân bị mua bán. Hỗ trợ cung cấp các dịch vụ về y tế, việc làm và các nhu cầu thiết yếu khác để trợ giúp nạn nhân bị mua bán.
Một phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc được Công an Trung Quốc giải cứu, trao trả, làm thủ tục nhập khu cách ly Móng Cái
Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục lồng ghép tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống mua bán người, các chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trong các hoạt động tuyên truyền, tập huấn của Sở. Đặc biệt, quan tâm đến cộng đồng dân cư vùng biên giới, dân tộc thiểu số và các nhóm có nguy cơ cao. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác này, nhất là các đối tượng, thành phần có nguy cơ cao dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt; tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu, giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho số nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống; đồng thời tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em.../.
Lê Minh