Xã hội
Quảng Ninh: Chung tay phòng, chống xâm hại trẻ em
04:14 PM 25/05/2020
(LĐXH) - Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn cho trẻ em.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, hiện tỉnh có gần 315.800 trẻ em dưới 16 tuổi. Giai đoạn 2015-2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 149 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 92 trẻ bị xâm hại tình dục (XHTD). Đáng chú ý, độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ. Nếu như trước đây trẻ bị xâm hại thường từ 13-18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc mà nạn nhân mới chỉ từ 5-13 tuổi, thậm chí có trường hợp trẻ mới 14 tháng tuổi. Ða phần đối tượng xâm hại trẻ em là người có mối quan hệ thân quen với trẻ, lợi dụng lòng tin, sự hồn nhiên và sự không cảnh giác của gia đình trẻ.
Để làm tốt công tác bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và cộng đồng chung tay thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại cho trẻ. Trong 5 năm qua, tỉnh đã tổ chức được 724 buổi tuyên truyền trực tiếp cho 127.700 lượt người nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trưởng thôn, bản, khu phố, hội phụ nữ, học sinh các trường về kiến thức bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục và các dịch vụ bảo vệ trẻ. Cùng với đó, cấp phát 25.000 tờ rơi, 138.200 quyển sách về phòng, chống xâm hại trẻ em; tuyên truyền hàng nghìn lượt tin, bài về nội dung này trên hệ thống loa truyền thanh, truyền hình cơ sở.
Đến nay, toàn tỉnh có 86 CLB, 552 mô hình và 2.074 tổ tự quản về chăm sóc và giáo dục trẻ em với trên 40.000 thành viên tham gia
Tỉnh cũng chú trọng xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ thông qua trường học an toàn, thân thiện, xã hội an toàn lành mạnh. Hiện 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chú trọng xây dựng quan hệ với người học, coi trọng việc gần gũi, kết nối với các em, để các em tin cậy, chia sẻ. Đồng thời, tổ chức các hoạt động trải nghiệm nói không với bạo lực học đường, kết hợp lồng ghép giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh. Trong cộng đồng, các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ trẻ, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin cho trẻ cũng được chú trọng. Hoạt động vui chơi cho trẻ được tăng cường với nhiều lớp kỹ năng sống, nhất là kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục tổ chức thường xuyên trong các dịp hè. Hiện tỉnh cũng đang duy trì nhiều mô hình nhằm xây dựng xã hội an toàn như: Mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới; mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; mô hình giảm thiểu lao động trẻ em…
Tính đến nay, toàn tỉnh có 86 CLB, 552 mô hình và 2.074 tổ tự quản về chăm sóc và giáo dục trẻ em với trên 40.000 thành viên tham gia. Hoạt động của các CLB, mô hình, chủ yếu là tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc giáo dục trẻ, thực hiện các quyền trẻ em, xử lý các tình huống liên quan đến quyền trẻ em, các trường hợp xâm hại trẻ em. Thông qua hoạt động đó, trẻ em thiếu sự chăm sóc của cha mẹ hoặc có nguy cơ bị bỏ rơi, XHTD, được quan tâm hưởng thụ các chính sách, quyền của trẻ em tại các địa phương ngày một tăng lên. Nhiều trẻ em đã có nhận thức tốt về các quyền tham gia và quyền được bảo vệ của mình, có các kỹ năng để tự bảo vệ bản thân.
Đặc biệt, việc hỗ trợ, can thiệp khi trẻ có nguy cơ xâm hại hoặc bị xâm hại được chú trọng. Tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận tổng số 5.300 cuộc gọi qua đường dây nóng, tư vấn phòng ngừa, hỗ trợ 358 trẻ; phối hợp tư vấn, can thiệp hỗ trợ khẩn cấp cho 23 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Qua đó, giúp trẻ nhanh chóng ổn định tâm lý, đồng thời hướng dẫn người thân, gia đình, nhà trường các kỹ năng chăm sóc trẻ, cung cấp các địa chỉ trợ giúp về pháp lý, y tế, dịch vụ xã hội để gia đình liên hệ khi cần. Ngoài ra, để bảo vệ cho trẻ trong các vụ án, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cũng thường xuyên cử luật sư, trợ giúp viên hướng dẫn, trực tiếp tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ.
Năm 2020, Tháng hành động vì trẻ em diễn ra từ ngày 01/6 đến 31/6, với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; các kiến thức về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Vận động nguồn lực xây dựng Quỹ Bảo trợ Trẻ em; Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng trẻ em vùng sâu vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...; Tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em như: Diễn đàn, tọa đàm, hội nghị... để trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; Duy trì, triển khai, nhân rộng các mô hình, hoạt động phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn… nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, giúp cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, có cơ hội tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ xã hội để phát triển toàn diện./.
Nguyễn Hiền