Xã hội
Quảng Ninh: Chú trọng công tác phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.
09:22 AM 16/09/2018
(LĐXH) - Với nhịp sống hối hả, bận rộn như ngày nay, rất nhiều người đã mắc phải những căn bệnh tinh thần phổ biến như stress, hay nặng hơn là trầm cảm. Chúng không quá nguy hiểm như các loại bệnh hiểm nghèo khác, nhưng có thể làm cho cuộc sống người bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Theo các bác sĩ, nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh sẽ diễn tiến ngày càng trầm trọng và bệnh nhân có thể có hành vi tự sát. Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm như: di truyền, ảnh hưởng các bệnh thực tổn, mất cân bằng tâm lý, nghiện rượu… Những người chịu nhiều áp lực, căng thẳng trong thời gian dài, mất người thân, hôn nhân không hạnh phúc, sau bệnh tật (chấn thương sọ não, tai biến…), nghiện rượu thời gian dài đều có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của người bệnh mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế gia đình,  xã hội do gánh nặng chi phí điều trị và giảm năng lực lao động. 
Trước thực trạng đó, để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về bệnh trầm cảm và các dấu hiệu nhận biết sớm để có các biện pháp can thiệp, hỗ trợ, điều trị kịp thời, Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện Mô hình phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, lồng ghép giữa y tế và công tác xã hội trên phạm vi toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của mô hình nhằm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cộng đồng dân cư về vấn đề rối nhiễu tâm trí của trẻ em, vấn đề trầm cảm tại cộng đồng; Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ em rối nhiễu tâm trí để đáp ứng nhu cầu khám sàng lọc, trị liệu cho đối tượng trên địa bàn tỉnh; Đảm bảo 100% đối tượng khi đến Trung tâm CTXH được sàng lọc, đánh giá, tư vấn và được bố trí hoạt động can thiệp trị liệu rối nhiễu tâm trí phù hợp.
Thực hiện can thiệp hỗ trợ cho đối tượng tại cộng đồng
Trong năm 2017, bên cạnh công tác truyền thông, Trung tâm CTXH tỉnh đã tổ chức khám sàng lọc, đánh giá tại trung tâm vào tất cả các ngày trong tuần khi người dân có nhu cầu; Thực hiện khám sàng lọc mới cho 35 trẻ đến từ các huyện/thị/thành phố như: Cẩm Phả, Tiên Yên, Móng Cái, Hoành Bồ, Hạ Long và cả các trường hợp từ tỉnh khác. Trong đó chủ yếu là các cháu trên địa bàn thành phố Hạ Long. Hoạt động sàng lọc được thực hiện bằng phương pháp Test Denver II và PEP R để đánh giá thực trạng sự phát triển trên từng lĩnh vực của trẻ (7 lĩnh vực phát triển: vận động tinh, vận động thô, bắt chước, tri giác, phối hợp tay mắt, tư duy, ngôn ngữ, 4 thang hành vi: Quan hệ, vật liệu, cảm giác và ngôn ngữ). Ngoài ra, còn sử dụng thang đo Tăng động giảm chú ý đối vói những trẻ có biểu hiện tăng động; Sử dụng Bảng kiểm hành vi đối với những trẻ có những hành vi bất thường như đập đầu vào tường, tự làm tổn thương bản thân, hay đánh bạn, ăn những thứ không phải đồ ăn...
Hầu hết các cháu đến khám sàng lọc tại trung tâm đều là những trẻ có những biểu hiện rối nhiễu tâm trí như tăng động, giảm chú ý, chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn hành vi, cảm xúc... Cha mẹ trẻ phát hiện kịp thời và đưa các cháu tới trung tâm để được đánh giá, sàng lọc và tư vấn. Do đó,  hoạt động sàng lọc đã phát hiện 35 trẻ có biểu hiện của rối nhiễu tâm trí. Độ tuổi đánh giá: trẻ từ 2 đến 9 tuổi. Sau khi sàng lọc đánh giá, cán bộ trung tâm tư vấn cho cha mẹ, gia đình trẻ về những vấn đề cần lưu ý.
Với những trẻ có biểu hiện của chậm phát triển hay rối loạn hành vi thì được tư vấn về cách hỗ trợ can thiệp trị liệu cho trẻ đối với từng gia đình. Các trẻ sẽ được xây dựng kế hoạch can thiệp trị liệu theo thời gian cả đợt, từng tháng và từng ngày. Với những trẻ phát triển bình thường hoặc vượt trội, nhân viên phòng khám tư vấn cho gia đình cách chăm sóc nuôi dạy trẻ tốt hơn để trẻ phát triển vượt bậc hơn nữa.
  Trong quá trình tư vấn, các bậc phụ huynh luôn được hướng dẫn cẩn thận, đầy đủ các bài tập, các phương pháp giáo dục hiệu quả để can thiệp trị liệu cho trẻ tại gia đình. Đồng thời, trẻ sau khi xác định các mảng chậm phát triển, cán bộ Trung tâm đã cùng với chuyên gia xây dựng kế hoạch và phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp. Từ kết quả chẩn đoán, trong năm 2017, có 11 trẻ xây dựng kế hoạch để triển khai can thiệp trị liệu không dùng thuốc tại Trung tâm, 24 trẻ chưa có điều kiện thường xuyên đến Trung tâm được xây dựng kế hoạch can thiệp trị liệu tại gia đình và duy trì mối liên hệ để tư vấn hỗ trợ các gia đình.
Cùng với đó, Trung tâm cũng tiến hành hoạt động trị liệu, thông qua quá trình chơi mà học với trẻ, matxa, điều hòa các giác quan, phát triển tâm vận động... Ngoài hoạt động trị liệu không dùng thuốc, cán bộ công tác xã hội còn hướng dẫn gia đình các thủ tục để hưởng trợ cấp xã hội cho trẻ đối với những gia đình gặp khó khăn, đủ điều kiện theo quy định. Năm 2017, Trung tâm triển khai hoạt động sàng lọc, tư vấn và trị liệu cho trẻ tại cộng đồng trên địa bàn các huyện Uông Bí, Quảng Yên và Cẩm Phả. Qua đó, đã khám sàng lọc, đánh giá tại các trường mầm non và tại các xã, phường 60 trẻ nghi ngờ có biểu hiện RNTT. Trên cơ sở đó, tổ chức tập huấn về kiến thức cơ bản đối với người chăm sóc trẻ, đồng thời tư vấn, giải đáp các vấn đề của đối tượng, giúp đối tượng có nhận thức đầy đủ về vấn đề của con em mình, tư vấn về trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bên để thực hiện công tác trị liệu cho trẻ tại gia đình. Hướng dẫn gia đình thực hiện các bài tập trị liệu theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, sau khi đã thực hành và chuyển giao các hoạt động xong, nhân viên của mô hình tiếp tục duy trì mối liên hệ để tiếp tục hướng dẫn các gia đình có thể tự thực hiện cho con em mình tại nhà.
Để tiếp tục triển khai mô hình có hiệu quả, Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Sở LĐTBXH tiếp tục duy trì thực hiện hoạt động phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí cho trẻ em tại Trung tâm và cộng đồng; Cải tạo nâng cấp, trang sắm bổ sung các thiết bị chuyên dùng cho cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; Thực hiện đào tạo cho cán bộ nhân viên công tác xã hội ở cộng đồng tham gia vào quá trình tư vấn, trị liệu cho đối tượng RNTT; Đào tạo mới và bổ sung thêm nhân lực cho phòng khám; Tổ chức lớp học tập kinh nghiệm quốc tế về phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội; Nghiên cứu và đề xuất cơ chế thu phí dịch vụ.
Thu Hương