Lao động
Quảng Ninh: Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn
10:56 AM 04/12/2017
(LĐXH) - Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh, để chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2017 và những năm tiếp theo.
(Ảnh minh họa)
Theo nội dung của Chỉ thị số 12/CT-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương, trong đó cụ thể là các sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công thương, Xây dựng, Thông tin Truyền thông, Công an tỉnh và các cơ quan thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh phải tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền và chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý; chịu trách nhiệm, thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Nhà nước, các chức năng quản lý Nhà nước về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động của địa phương. Đặc biệt, quan tâm tới các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh có tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sự cố, tai nạn lao động. Xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh để xảy ra tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người; xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc để xảy ra tai nạn lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt đối với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình xây dựng, UBND tỉnh yêu cầu phải thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định tại Thông tư 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng về việc quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; kiên quyết thực hiện đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn lao động; yêu cầu nhà thầu khắc phục, đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh lao động mới được tiếp tục thi công. Đối với các nhà thầu thi công, phải thực hiện tuyển dụng, quản lý và sử dụng người lao động theo đúng quy định pháp luật lao động, tham gia BHXH, BHYT cho người lao động; phân công, bố trí người lao động làm việc theo đúng ngành nghề, công việc được đào tạo.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, UBND tỉnh cũng yêu cầu phải thường xuyên thực hiện tự kiểm tra, rà soát, đánh giá kịp thời các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất để xây dựng và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa; tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc trong doanh nghiệp và toàn ngành để phòng ngừa tái diễn; kiểm điểm nghiêm túc, xử lý nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân vi phạm an toàn vệ sinh lao động.
UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình thực hiện an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh; đồng thời, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời.
Theo số liệu báo cáo, thống kê 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 257 vụ TNLĐ làm 266 người bị nạn, trong đó: có 12 vụ TNLĐ chết người làm 12 người chết; số người bị thương nặng là 157 người, số người bị thương nhẹ là 97 người. Tại các đơn vị thuộc ngành than đã xảy 10 vụ TNLĐ chết người, làm chết 10 người. Chi phí thiệt hại do TNLĐ là 12,4 tỷ đồng, tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 13.348 ngày./.
Cảnh Minh