Giáo dục - Nghề nghiệp
Quảng Ngãi triển khai nhiệm vụ năm 2022 đối với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm
11:05 PM 28/02/2022
(LĐXH)-Trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, giai đoạn 2016- 2020 đã giải quyết việc làm mới và thêm việc làm cho hơn 180 ngàn lao động; năm 2021 số lao động có việc làm tăng thêm khoảng 7.000 người...; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về: tăng cường và đa dạng các phương thức truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy học cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các ngành nghề trọng điểm...; từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình và địa phương, góp phần thúc đẩy  phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo; nhận thức về lợi ích của việc học nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống được nâng lên và đảm bảo  công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Một tiết học trực tuyến của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm vẫn còn một số tồn tại và hạn chế: Công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn; việc đào tạo chưa gắn với giải quyết việc làm, chưa phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có sự phối hợp chặt chẽ, khả năng tìm việc và tự tạo việc làm của người lao động qua đào tạo còn hạn chế; vẫn còn sinh viên, học sinh tốt nghiệp ở các trường cao đẳng, trung cấp chưa tìm được việc làm. Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ đào tạo theo năng lực có sẵn, chưa tổ chức đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của thị trường lao động, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển; sự kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao…
Để triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn tại buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 18/2/2022 đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ:
Thủ trưởng các Sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ chủ động rà soát, chỉ đạo khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; đồng thời, tăng cường phối hợp và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cụ thể tại đơn vị, địa phương; tiếp tục điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm xác định nhu cầu thực tế của người lao động để có giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và ổn định cuộc sống cho người dân, nhất là ở các huyện miền núi.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng về hiệu quả đào tạo nghề bằng kết quả, hình ảnh dẫn chứng thực tế cuộc sống của người lao động sau khi học nghề,… kịp thời thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn để người lao động tiếp cận thông tin tìm kiếm việc làm. Trong đó chú trọng xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin lao động, ứng dụng công nghệ thông tin để hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung về cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh.
Tập trung rà soát các cơ chế, chính sách của Nhà nước, của Tỉnh, cũng như của các doanh nghiệp về hỗ trợ đào tạo nghề; trong đó lưu ý, rà soát chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm quy định tại Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND ngày 10/10/2018 của UBND tỉnh; trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung cho    phù hợp với thực tiễn, thì kịp thời tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo nhằm khuyến khích học sinh học nghề tại địa phương.
Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; phát triển thị trường lao động: Rà soát và chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, phân giao nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả trong thời gian tới.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan thực hiện tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông phù hợp với tình hình thực tế; có giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi chủ động làm việc với các doanh nghiệp để kịp thời thông tin về nhu cầu sử dụng lao động và phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp, nhằm cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp.
Đồng thời, các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cần chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cung cấp dịch vụ đào tạo nghề có chất lượng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; đẩy mạnh hợp tác, gắn kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để tập trung đào tạo các ngành, nghề có chất lượng phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, sớm tạo việc làm ổn định cho học viên, sinh viên sau khi ra trường./.
Mỹ Hạnh