Xã hội
Quảng Ngãi: Nỗ lực giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số
10:51 AM 30/07/2021
(LĐXH) – Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là kết quả giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người nghèo được nâng lên rõ rệt.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư phát triển
 Quảng Ngãi là tỉnh ven biển, thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có diện tích tự nhiên 515.269 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp khoảng 140.000 ha, chiếm 27% tổng diện tích; dân số hơn 1,2 triệu người, trong đó dân số sống ở nông thôn chiếm khoảng 85%, bao gồm 4 dân tộc chính là Kinh (86,7%); H’re (9,5%); Cor (2,3%); Xơ đăng (1,5%); có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 01 thành phố, 01 thị xã, 05 huyện đồng bằng ven biển, 05 huyện miền núi và 01 huyện đảo. Đa số đồng bào dân tộc thiểu số điều sinh sống ở 05 huyện miền núi, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.
Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hơn 2.050 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.020 tỷ đồng, ngân sách địa phương là trên 37,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã thực hiện đầu tư 549 công trình hạ tầng như: Trường học, trạm y tế, đường giao thông, nước sinh hoạt, công trình điện, công trình văn hóa, thủy lợi… với tổng kinh phí trên 1.460 tỷ đồng. Ngoài ra, trên 593 tỷ đồng thực hiện hợp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập như: Khoán khoanh nuôi tái sinh rừng; hỗ trợ lần đầu giống cây trồng rừng sản xuất; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ tiền mua giống, vật tư, chuồng trại, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo…
Bên cạnh đó, các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước cũng hỗ trợ 144 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, đầu tư xây dựng các công trình về y tế, giáo dục, phục vụ người dân thụ hưởng các chương trình 30a trên địa bàn huyện nghèo. Trên địa bàn các huyện nghèo còn huy động ngân sách địa phương, nguồn vốn khác để thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo như cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở và các chính sách dân tộc khác.
Đời sống của đồng bào dân tộc đã có nhiều thay đổi
Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng với các chương trình chính sách của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều chương trình, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương như hỗ trợ, biểu dương, khen thưởng đối với hộ gia đình, thôn, xã, huyện thoát nghèo ở vùng miền núi; hỗ trợ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Quảng Ngãi; thí điểm chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững trên địa bàn 2 huyện Sơn Tây, Trà Bồng…
Mô hình hỗ trợ theo dự án giảm nghèo Tây Nguyên bước đầu đã thành công, làm thay đổi nhận thức của người dân, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với đồng bào miền núi cũng được đẩy mạnh triển khai. Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình canh tác lúa nước và trồng mía trên đất gò, đồi theo hướng bền vững tại các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà và Sơn Tây là một điển hình. Đến nay, các địa phương đã xây dựng được vùng nguyên liệu mía với hàng trăm héc-ta trên đất gò đồi, năng suất đạt 70 đến 90 tấn/ha, tạo việc làm lâu dài cho hàng nghìn hộ dân miền núi.
Tính đến cuối năm 2020, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc chỉ còn 25,59% trong tổng số đồng bào dân tộc thiểu số, giảm hơn 50% so với năm 2015; trung bình giảm 5,55%/năm, vượt 1,55% so với mục tiêu Chương trình giảm nghèo đề ra (từ 3-4%/năm) và vượt 0,55% so với mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc (từ 4-5%/năm). Việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp đời sống của người dân ở các huyện miền núi được đảm bảo, ấm no hơn. Giai đoạn 2016-2020, số hộ nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi bình quân giảm 5,25%/năm, vượt chỉ tiêu giảm nghèo đối với địa bàn huyện nghèo, trong đó năm 2020 giảm còn hơn 13.000 hộ nghèo, chiếm 20,52%. Sự thay đổi dễ nhận biết nhất ở các huyện miền núi Quảng Ngãi là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá toàn diện. Hiện nay, tất cả các xã đều đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 98,7% hộ được sử dụng điện; 91% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% hộ gia đình có phương tiện nghe, nhìn; trên 90% hộ DTTS có thẻ bảo hiểm… Hệ thống trường lớp học, nhà ở công vụ cho giáo viên cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu dạy và học của các bậc học; chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể. Mạng lưới y tế ở khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển và được đầu tư xây dựng kiên cố. Đến nay có 58/67 Trạm Y tế được đầu tư xây dựng kiên cố đạt chuẩn về cơ sở vật chất, 42/67 Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Trên cơ sở kết quả đạt được, để giảm nghèo nhanh và bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới tỉnh Quảng Ngãi tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho các xã vùng cao, vùng xa, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo có hiệu quả. Các huyện miền núi tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo theo Nghị quyết 04 chuyên đề của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, trong đó chú trọng tiếp cận địa bàn, xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo để phân loại, tư vấn và giúp đỡ động viên đồng bào vươn lên thoát nghèo. Nâng cao ý thức người dân phấn đấu thoát nghèo, không chỉ thực hiện bằng các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục thông thường mà cần duy trì một số chính sách để họ được hưởng các lợi ích của hộ nghèo và có điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống bền vững…
Hồng Phượng