Xã hội
Quảng Nam: Quan tâm thực hiện chính sách giảm nghèo
01:58 PM 13/11/2018
(LĐXH) Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt công tác giảm nghèo, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững.
Để triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo, bên cạnh chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo. Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định 4440/QĐ-UBND ngày 19/12/2016 về thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG, giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND về Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2021. Gần đây nhất, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2018/NQ-HĐND quy định mức chi hỗ trợ đối với những người làm công tác giảm nghèo ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2020.
Có thể nói, trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, việc làm và thu nhập của người dân, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân và đặc biệt là việc tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chính sách, đến nay công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Hội nghị triển khai chính sách giảm nghèo và khuyến khích thoát nghèo bền vững của Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam
Thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, trong 2 năm (2017-2018), các cơ sở giáo dục đào tạo đã trực tiếp miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập kịp thời, đúng quy định cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định; Hỗ trợ tiền ăn, nhà ở và gạo cho học sinh phổ thông tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Năm 2017, tỉnh đã hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho 244.742 người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số và người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, với tổng kinh phí 155,017 tỷ đồng; hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho 52.590 người cận nghèo, kinh phí 27,399 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã tổ chức hỗ trợ tiền ăn, tiền vận chuyển, hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh cho 38.591 lượt đối tượng theo quy định tại Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.  
Trong quý I năm 2018, ngân sách hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho 229.865 người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số và người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, với tổng kinh phí 40,34 tỷ đồng; hỗ trợ mức đóng BHYT cho 24.973 người cận nghèo, kinh phí 3,587 tỷ đồng.
Nhằm giúp hộ nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, trong năm 2017, toàn tỉnh đã có 36.058 lượt đối tượng được vay vốn với doanh số trên 1.042 tỷ đồng, trong đó có 6.260 lượt hộ nghèo, doanh số 186,657 tỷ đồng; 4.738 lượt hộ cận nghèo, doanh số 175,012 tỷ đồng. Trong quý I năm 2018, có 10.237 lượt đối tượng vay vốn, doanh số hơn 342 tỷ đồng, trong đó có 1.178 lượt hộ nghèo, 416 lượt hộ cận nghèo và 3.643 lượt hộ mới thoát nghèo. Thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, tỉnh Quảng Nam đã tuyển lao động học nghề, bồi dưỡng, tập huấn nghề nghiệp cho 35.573 người, đạt 100,2% kế hoạch năm, trong đó, số lao động được hỗ trợ học nghề theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 3.147 người; số lao động được đào tạo theo Nghị quyết số 12/2016/NQ của HĐND tỉnh và Quyết định số 3577/QĐ-UBND của UBND tỉnh là 1.554 người.
Ngoài ra, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia, ngành Công thương và các địa phương đã hỗ trợ xây dựng Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung trên dây chuyền tự động; Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất than sinh học theo công nghệ khí hóa. Từ nguồn vốn khuyến công địa phương đã hỗ trợ đào tạo lao động mới cho 265 học viên, hỗ trợ đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho 90 người, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho 30 người, hỗ trợ tổ chức hội thảo, tập huấn theo chuyên đề cho 240 người, hỗ trợ  xây dựng 02 mô hình trình diễn kỹ thuật... Thực hiện công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý tại 133 xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn với 2.415 lượt người tham gia.
Trong công tác hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2016-2017, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 1.191 hộ/7.712 hộ theo Đề án được duyệt, đạt 15,44% kế hoạch và 51,49% so với kế hoạch năm, trong đó năm 2017 đã thực hiện cho 809 hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở, kinh phí hơn 20 tỷ đồng.
Đặc biệt, để động viên, khuyến khích, khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo; tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho hộ mới thoát nghèo, hạn chế tái nghèo đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững hằng năm theo Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra, Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh khóa IX Kỳ họp thứ 4 ban hành Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 về Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017-2021. Trong đó nhấn mạnh: Đối với hộ nghèo (theo tiêu chí thu nhập) đăng ký và thoát nghèo bền vững được hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ BHYT theo loại hình BHYT tự nguyện trong thời gian 36 tháng; Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh tại Ngân hàng CSXH đối với hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. Mức vay tối đa là 50.000.000 đồng/hộ. Thời gian hỗ trợ lãi suất 36 tháng; Được cấp bù học phí cho trẻ em mẫu giáo và học sinh các cấp phổ thông; hỗ trợ chi phí học tập theo mức 100.000 đồng/học sinh/tháng cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh các cấp phổ thông; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 3,4,5 tuổi theo mức 120.000 đồng/em/tháng (9 tháng/năm). Các chính sách trên thực hiện trong 03 năm học liên tục...
Còn đối với hộ cận nghèo đăng ký và thoát cận nghèo bền vững: Được hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ BHYT theo loại hình BHYT tự nguyện trong thời gian 36 tháng; Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh tại Ngân hàng CSXH về tín dụng đối với hộ cận nghèo. Mức vay tối đa là 50.000.000 đồng/hộ. Thời gian hỗ trợ lãi suất 36 tháng.
Ngoài ra, còn chính sách thưởng cho cộng đồng thôn có hộ thoát nghèo như: Thưởng cộng đồng của thôn có hộ nghèo và hộ cận nghèo thoát nghèo với mức 3.000.000 đồng/hộ. Chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp trên địa bàn huyện miền núi; cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ hợp tác, hợp tác xã; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực hiện giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh.
Với việc ban hành chính sách khuyến khích thoát nghèo, trong năm 2017, tỉnh Quảng Nam có 3.989 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững, 5.980 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững và có 3.567 hộ nghèo/14.803 nhân khẩu được Chủ tịch UBND cấp xã quyết định công nhận thoát nghèo bền vững; 5.801 hộ cận nghèo/24.377 nhân khẩu được Chủ tịch UBND cấp xã quyết định công nhận thoát nghèo bền vững. Đến nay, tỉnh đã bố trí 85,495 tỷ đồng cho các địa phương để giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 13, trong đó ngân sách tỉnh bố trí 83,464 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện bố trí 2,031 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện các chính sách khuyến khích thoát nghèo đến các đối tượng.
Nhằm thực hiện công tác giảm nghèo xuyên suốt, từ cấp tỉnh đến xã đều đã bố trí cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo. Trong đó, Sở LĐTBXH thành lập Văn phòng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo tỉnh đặt tại Sở; Đối với cấp huyện, phòng LĐTBXH phân công từ 01 đến 02 cán bộ tham mưu triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, ở cấp xã bố trí cán bộ kiêm nhiệm theo dõi công tác giảm nghèo.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và sự tham gia tích cực của người dân, các chính sách, dự án về giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được triển khai hiệu quả, người nghèo ngày càng được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng... Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đặc biệt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng bãi ngang ven biển. Người dân đã biết lựa chọn loại hình sản xuất cây, con chủ lực, gắn với yếu tố thị trường; mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Kết quả, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh còn 38.112 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,28%, giảm 7.218 hộ nghèo, tương ứng giảm 1,85% so với năm 2016; 18.590 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,53%, giảm 1,56% so với năm 2016, đạt mục tiêu đề ra của quốc gia theo Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (giảm từ 1,5-2%), tương ứng giảm được 6.218 hộ.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện một số giải pháp như: Thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; Duy trì, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phù hợp đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo; Hỗ trợ mua và cấp thẻ BHYT đối với hộ mới thoát nghèo (vượt qua khỏi chuẩn cận nghèo) để động viên, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khám, chữa bệnh cho đối tượng.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển; Tăng cường cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân miền núi; Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa; Thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.../.
Hữu Điệp