Xã hội
Quảng Nam: Nhiều chính sách khuyến khích thoát nghèo
04:58 PM 21/12/2017
(LĐXH) Tiếp nối những kết quả đạt được trong 2 năm thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết số 119/2014/NQ-HĐND, ngày 19/4/2017, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017-2021.
Mục tiêu trong giai đoạn này, tỉnh phấn đấu đến năm 2021, có 18.000 hộ nghèo (khoảng 50% hộ nghèo về tiêu chí thu nhập trong danh sách được công nhận năm 2016) và 24.808 hộ cận nghèo (100% hộ cận nghèo trong danh sách được công nhận năm 2016) thoát nghèo bền vững. Bình quân mỗi năm, có khoảng 3.600 hộ nghèo và gần 5.000 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, tỉnh cũng đưa ra một số các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với hộ nghèo, cận nghèo khi đăng ký cam kết và đạt mục tiêu.

 HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết 13/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017-2021

Theo đó, đối với hộ nghèo về tiêu chí thu nhập có khả năng thoát nghèo và có đăng ký cam kết thoát nghèo bền vững, ngoài việc được tiếp tục thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương đối với hộ nghèo, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ thêm các chính sách như: Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. Mức vay tối đa là 50 triệu đồng, thời gian hỗ trợ lãi suất 36 tháng; Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT theo loại hình BHYT tự nguyện trong thời gian 36 tháng.
Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện cấp bù 100% học phí cho trẻ em mẫu giáo và học sinh các cấp phổ thông; hỗ trợ chi phí học tập mức 100.000 đồng/học sinh/tháng cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh các cấp phổ thông; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 3,4,5 tuổi mức 120.000 đồng/em/tháng (9 tháng/năm). Các chính sách hỗ trợ nêu trên được thực hiện trong 03 năm học liên tục. Cấp bù 100% học phí cho học sinh, sinh viên học chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và tại cơ sở giáo dục đại học cho đến khi kết thúc khóa học. Đồng thời thưởng 5.000.000 đồng/hộ thoát nghèo để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH tỉnh Quảng Nam, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND, đến nay, toàn tỉnh có 3.989 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững trên tổng số 34.808 hộ nghèo đủ điều kiện đăng ký thoát nghèo theo Nghị quyết 13, chiếm tỷ lệ 11,46%, vượt mục tiêu Nghị quyết 13 đề ra (3.600 hộ nghèo/năm); 5.971 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững vượt mục tiêu Nghị quyết 13 đề ra (5.000 hộ cận nghèo/năm). Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, tỉnh cũng gặp một số tồn tại, hạn chế như: Công tác chỉ đạo triển khai của một số huyện, thị xã, thành phố còn chậm. Một số địa phương không có công văn chỉ đạo triển khai đăng ký thoát nghèo bền vững theo hướng dẫn của Sở Lao động - TBXH. Toàn tỉnh có 11 xã không có hộ đăng ký thoát nghèo; có 12 xã không có hộ cận nghèo đăng ký thoát cận nghèo. Bên cạnh đó, ở một số nơi, công tác đăng ký thoát nghèo không đúng đối tượng. Công tác kiểm tra, giám sát và thẩm tra kết quả đăng ký thoát nghèo bền vững ở cấp xã chủ yếu do cán bộ theo dõi công tác giảm nghèo đảm nhận, chưa có sự vào cuộc của các ngành, các cơ quan giám sát như HĐND, MTTQ và các hội, đoàn thể. Công tác thông tin, tuyên truyền một số nơi còn hạn chế, một số hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa nắm được nội dung chính sách, chưa tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững.
Ngoài ra, việc giải quyết chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn cho hộ nghèo và hộ cận nghèo khi đã đăng ký cam kết thoát nghèo để phát triển sản xuất, kinh doanh tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng gặp khó khăn. Hiện nay, qua kiểm tra thực tế và báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội thì đa số hộ nghèo và hộ cận nghèo đã có vay vốn (dư nợ) tại ngân hàng theo chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì vậy, đối với những trường hợp hộ nghèo, cận nghèo đã vay đủ định mức vay tối đa (50 triệu đồng), để được hưởng chính sách hỗ trợ 100% lãi suất, bắt buộc hộ nghèo, cận nghèo phải hoàn trả nguồn vốn đã vay cho ngân hàng để được xem xét cho vay khoản vay mới, từ đó UBND cấp xã mới xem xét giải quyết cấp bù 100% lãi suất cho vay theo quy định. Như vậy, nhiều hộ nghèo, cận nghèo sẽ khó khăn trong tìm nguồn vốn để trả nợ.
Các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT theo loại hình BHYT tự nguyện trong thời gian 36 tháng
Trong thời gian tới, để chính sách khuyến khích thoát nghèo đạt hiệu quả, Sở Lao động - TBXH cũng đề nghị HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh nâng mức hỗ trợ lãi suất từ 50% lên 100% đối với nội dung quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị quyết 13; thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo năm 2017 đối với những khoản vay mới phát triển sản xuất kinh doanh kể từ ngày Nghị quyết số 13 có hiệu lực thi hành (ngày 29/5/2017, sau 10 ngày kể từ ngày ký); thành lập các đoàn giám sát để giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 13 ở các địa phương, cơ sở.
Đối với UBND tỉnh, cho phép thực hiện chính sách khuyến khích đối với những hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững sau ngày 15/8/2017 đến hết ngày 15/9/2017; Chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các huyện có khó khăn về ngân sách để phục vụ công tác triển khai, quản lý và tổ chức thực hiện Nghị quyết, nhất là công tác lập hồ sơ, thẩm định thực tế tại hộ đăng ký; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh quy định định mức chi hỗ trợ lập hồ sơ và thẩm định hộ đăng ký thoát nghèo bền vững; Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tập trung ưu tiên cho vay đáp ứng nhu cầu vay tối đa theo nhu cầu và nguyện vọng của hộ đăng ký thoát nghèo bền vững; đồng thời, định kỳ vào ngày 15 tháng cuối của mỗi quý tổng hợp số lượng, danh sách hộ và lãi suất phải thanh toán cho hộ đăng ký thoát nghèo bền vững đã vay tại ngân hàng cho Phòng Lao động - TBXH để tổng hợp, báo cáo UBND huyện, thị, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã giải quyết lãi suất kịp thời cho đối tượng.
Hồng Phượng