Lao động
Quảng Nam: Hơn 47,8 nghìn lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm trong 9 tháng đầu năm 2021
10:28 AM 23/09/2021
(LĐXH) – Trước bối cảnh dịch Covid-19 diến biến ngày càng phứuc tạp, Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Nam đã phát huy vai trò cầu nối, giúp người lao động tìm kiếm những cơ hội việc làm mới, đặc biệt thực hiện nhanh gọn các thủ tục BHTN, hỗ trợ kịp thời người lao động.
Trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện tư vấn và giới thiệu việc làm cho 47.815 lượt người. Tại các sàn giao dịch việc làm có 208 lượt doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng bình quân khoảng 5.000 chỗ làm trống/phiên. Số người đến tìm hiểu thông tin và đăng ký 1.168 lượt người; số người đăng ký tìm việc làm, liên kết học nghề, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 804 lượt người.
Trung tâm đã bồi dưỡng kiến thức tiếng Hàn cho 25 học viên. Liên kết tuyển sinh học lái xe ô tô cho 111 người lao động thất nghiệp. Ký hợp đồng liên kết tư vấn, tạo nguồn với 7 công ty có chức năng đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực hiện hỗ trợ chính sách cho người lao động đi xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 51 của HĐND tỉnh cho 4 người với số tiền 9,7 triệu đồng.
Về tiếp nhận hồ sơ giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, tổng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 9.099 người. Hồ sơ đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng là 9.272 người, số tiền chi theo quyết định hơn 131 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề 155 người (664 triệu đồng); số người được giới thiệu việc làm là 553 người, trong đó có việc làm 218 người.
Quảng Nam phấn đấu đến hết năm 2021 giải quyết việc làm cho 16.000 lượt lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tạo điều kiện để trung tâm triển khai các nội dung về dịch vụ việc làm trên ứng dụng Smart Quảng Nam; đầu tư thực hiện sàn giao dịch việc làm online; sớm phê duyệt đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tại trung tâm với 3 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; phê duyệt đề án định mức kinh tế kỹ thuật đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực việc làm; phê duyệt đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích hỗ trợ liên kết đào tạo nghề...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn ghi nhận những nỗ lực của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong thời gian qua. Trung tâm đã thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm, định hướng chuyển dịch lao động cho người lao động của tỉnh; cùng thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội bên cạnh việc phát triển kinh tế. 
Ông Trần Anh Tuấn yêu cầu trong thời gian tới, trung tâm tập trung thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại của năm 2021; tiếp tục làm tốt nhiệm vụ giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động về từ các tỉnh, thành phố có dịch. Trung tâm cần kết nối chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan có nhu cầu sử dụng lao động để hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm.
Hỗ trợ tối đa cho người lao động
Chị Trương Thị Hồng Hạnh (xã Điện Thọ, Điện Bàn) làm việc tại Công ty nằm trong tâm điểm dịch bệnh tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng) nên thời gian qua ngưng hoạt động do không có việc. Chị Hạnh đã nghỉ việc ở công ty từ ngày 1.6.2021, với thời gian làm việc từ tháng 2.2019 đến tháng 5.2021.
Nghỉ việc về quê, sau thời gian thực hiện cách ly, chị Hạnh làm đơn xin được hưởng BHTN gửi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Nhưng ngặt nỗi, công ty còn nợ tiền BHXH tháng 4 & 5.2021, nên sổ BHXH của chị Hạnh chưa được chốt và chị cũng không có quyết định nghỉ việc của công ty.
Lúc này, chị Hạnh rất bối rối, ra lại công ty cũ để lấy hồ sơ là điều không thể vì nơi đó đang giãn cách nghiêm ngặt. Nhưng nếu không làm hồ sơ thì sẽ quá thời hạn 90 ngày kể từ khi nghỉ việc đến khi nộp hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Liên hệ với nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh ở Văn phòng khu vực Điện Bàn, chị Hạnh được hướng dẫn cụ thể. Chị liền liên hệ với cán bộ quản lý nhân sự của công ty cũ, yêu cầu đóng BHXH của chị trong 2 tháng còn nợ, và sau khi đóng đủ thì sổ BHXH của chị được cơ quan BHXH chốt. Chị cũng yêu cầu cán bộ quản lý nhân sự công ty ra quyết định nghỉ việc, chụp hình, quay video tất cả hồ sơ gửi qua zalo.
Hồ sơ của chị Hạnh được bổ sung đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh qua zalo, được tiếp nhận vào thời điểm cận kề hạn chót 90 ngày. Chị Hạnh nói: “Dù chưa có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chính thức do hồ sơ mới được nộp, nhưng tôi đã có thể yên tâm rằng chế độ sẽ được giải quyết vào tháng 9.2021.
Sự hỗ trợ bằng cách tiếp nhận hồ sơ qua zalo thế này rất tiện cho tôi, khi toàn thị xã Điện Bàn đang thực hiện Chỉ thị 16, tôi không thể trực tiếp đi nộp hồ sơ giải quyết BHTN. Nay Điện Bàn hết thực hiện giãn cách, tôi sẽ đến nộp bổ sung hồ sơ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm”.
Ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Năm 2020, dịch bệnh bắt đầu bùng phát, LĐ làm việc trong ngành du lịch, dịch vụ mất việc nhiều nên hồ sơ lúc đó tăng cao. Năm này vẫn có dịch bệnh phức tạp, nhưng người LĐ đến làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thấp hơn, bởi người nào có công việc ổn định thì vẫn giữ được việc, không biến động quá lớn như năm đầu tiên có dịch bệnh.
Đối với LĐ ở vùng xanh thì họ trực tiếp đến nộp hồ sơ. Còn những LĐ ở vùng giãn cách, không đi trực tiếp nộp được thì có thể nộp qua bưu điện, hoặc liên hệ gửi qua zalo, mail, để đảm bảo thông tin chính xác và không trễ ngày. Với LĐ ngoài tỉnh thì trung tâm bằng mọi cách sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh hồ sơ để giải quyết cho LĐ”.
Theo ông Dũng, LĐ về từ các tỉnh có dịch bệnh, nếu đang trong thời gian cách ly tập trung hay tại nhà, có thể gửi hồ sơ gồm sổ BHXH kèm tờ rời tham gia BHXH, quyết định nghỉ việc, đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua bưu điện là trung tâm giải quyết ngay mà không cần đến trực tiếp.
Những LĐ không có bất cứ giấy tờ gì do phải về tránh dịch, thì có thể liên hệ với nơi họ làm việc đề nghị hỗ trợ bằng cách gửi hình ảnh qua zalo, e-mail, nhằm đảm bảo thời gian 90 ngày từ khi nghỉ việc đến khi nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Mọi thông tin về quá trình tham gia BHXH hay nơi làm việc của người LĐ, cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có trách nhiệm liên hệ xác minh thông tin để giải quyết cho người LĐ. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì hồ sơ gốc của họ có thể nhận qua đường bưu điện sau.
Khi có quyết định hưởng, người LĐ có thể nhận tiền qua thẻ tài khoản ngân hàng, không cần đến trực tiếp. Cách làm này trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã giúp người LĐ yên tâm hơn khi chế độ BHTN của họ được hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, tính đến hết tháng 8/2021, toàn tỉnh đã thông báo giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động (LĐ), bệnh nghề nghiệp đối với 3.012 đơn vị, doanh nghiệp, tổng số 127.517 LĐ với số tiền gần 42 tỷ đồng, thời gian tính hưởng từ tháng 7.2021 đến tháng 6.2022 (12 tháng). Có 642 LĐ và trẻ em đã được hỗ trợ với số tiền hơn 923 triệu đồng.
Ngoài ra, có 4 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc cho 121 LĐ với kinh phí hơn 474 triệu đồng; 1 doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh hơn 172 triệu đồng. Thực hiện Nghị quyết 45, đã có 429 LĐ tự do được hỗ trợ số tiền 835,5 triệu đồng; có 2.696 người thực hiện cách ly tập trung được hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng.
Về trường hợp người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, qua khảo sát toàn tỉnh có 29.165 hộ với 76.968 khẩu cần được hỗ trợ hơn 1.380 tấn gạo. UBND tỉnh đã trình Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH xem xét hỗ trợ, khi có gạo sẽ phân bổ ngay cho người dân.
Đối với khoảng 3.000 LĐ về từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối giải quyết việc làm, các đại biểu dự họp cho rằng, ngoài tư vấn, giới thiệu việc làm cho LĐ đã có nghề, tỉnh cũng cần hỗ trợ đào tạo cho người chưa có nghề, người tự tạo việc làm được thì giúp vay vốn để phát triển sản xuất.
Thục Quyên