Xã hội
Quảng Nam: Hỗ trợ nạn nhân bom mìn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống
09:27 AM 02/07/2018
Thời gian qua, Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cho các nạn nhân bị thiệt hại do bom mìn sau chiến tranh vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Hỗ trợ sinh kế
Ông Trương Văn Đức, ở thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, Thăng Bình là một trong rất nhiều nạn nhân bị tai nạn do bom mìn gây ra. Năm 2004, trong lúc đang lao động trong vườn nhà, không may cuốc phải quả mìn còn sót lại sau chiến tranh khiến ông bị mất một bàn tay và mù cả 2 mắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động, cuộc sống gia đình rơi vào khó khăn. Để giúp đỡ gia đình ông có điều kiện phát triển kinh tế, Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã trao tặng cho gia đình 1 con bò và kinh phí làm chuồng trại, trị giá 12 triệu đồng. Đến nay, bò đã sinh sản được một bê con, gia đình đã đỡ vất vả hơn trước nhiều.
Ông Trương Văn Đức tâm sự: “Khi bị tai nạn bom mìn, bản thân tôi cảm thấy rất tuyệt vọng vì mình đang khỏe mạnh lại là lao động chính nhưng giờ đây lại là gánh nặng cho gia đình. Tuy nhiên, được sự động viên của vợ con, chính quyền địa phương, bà con hàng xóm, tôi cố gắng vượt qua để tiếp tục lao động, sản xuất. Được sự giúp đỡ của Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tỉnh Quảng Nam tặng con vật nuôi, tôi và gia đình cố gắng chăm sóc thật tốt để có điều kiện tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”.
Nhờ được hỗ trợ sinh kế, nhiều nạn nhân bom mìn trong tỉnh đã ổn định cuộc sống
Chi hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tỉnh Quảng Nam được thành lập ngày 15/8/2015 do Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 làm Chi hội trưởng. Với chức năng, nhiệm vụ là thực hiện công tác tuyên truyền về sự nguy hiểm của bom mìn và cách phòng tránh bom mìn; thống kê, quản lý dữ liệu về nạn nhân bom mìn, tình trạng ô nhiễm do bom mìn; giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân địa phương vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ các nạn nhân bị tai nạn bom mìn trong toàn tỉnh… Qua 2 năm (2015 và 2016), Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ sinh kế và tặng quà trong dịp tết cho 107 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các huyện: Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Điện Bàn, Nông Sơn, Tiên Phước, Phú Ninh, Núi Thành, với tổng kinh phí 984 triệu đồng. Đặc biệt, chi hội đã tiến hành khảo sát và hỗ trợ 80 hộ gia đình bị thương tật do hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh, mỗi hộ 12 triệu đồng (gồm một con bò giống và kinh phí xây dựng chuồng trại). Đến nay, nhiều gia đình đã tích cực chăn nuôi, đem lại thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Chủ động phòng tránh
Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Công binh, riêng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng hơn 15,3 triệu tấn (trong đó có hơn 7,8 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất), tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tại Quảng Nam, đây là một trong những tỉnh có mức độ ô nhiễm bom mìn lớn với hơn 90% số xã, hơn 34% diện tích bị ảnh hưởng của bom mìn sau chiến tranh và rất nhiều người bị thiệt hại do bom mìn gây ra.
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn cho biết: “Việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Vì vậy, thời gian tới, chi hội sẽ tập trung huy động, tổ chức quản lý và sử dụng có trọng tâm, trọng điểm các nguồn lực trong và ngoài nước, các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm để tích cực giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế, phục hồi chức năng, thăm hỏi, tặng quà cho các trường hợp bị tai nạn bom mìn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, cách nhận biết, phòng tránh và xử lý các loại bom mìn, vật nổ chủ yếu còn sót lại sau chiến tranh; đảm bảo an toàn cho nhân dân; giúp đỡ có hiệu quả nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng...”.
Nhằm hạn chế thấp nhất hệ lụy từ bom mìn sót lại sau chiến tranh, thời gian tới Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tỉnh Quảng Nam sẽ cùng các cấp, ngành liên quan và sự hỗ trợ từ cộng đồng chung tay góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt hậu quả nặng nề do bom mìn, vật nổ sau chiến tranh gây ra. Qua đó, đảm bảo sự bình yên cho mỗi gia đình, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.
 
Dương Lê