Lao động
Quảng Bình: Người lao động vẫn chủ quan phòng ngừa tai nạn lao động
10:05 AM 25/06/2021
(LĐXH)- Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh Quảng Bình đã có nhiều nỗ lực ngăn ngừa xảy ra tai nạn lao động, song từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn vẫn xảy ra một số vụ tai nạn lao động đáng tiếc, trong đó có các vụ/ca tử vong mà nguyên nhân chủ yếu là do lỗi của người lao động.
23 bị nạn do tai nạn lao động
Theo báo cáo của các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Quảng Bình, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 23 vụ tai nạn lao động, làm 23 người bị nạn.
Cụ thể, tai nạn lao động đã làm chết 06 người, 17 người bị thương nặng, nạn nhân lao động là nữ có 9 người; 6 tháng đầu năm 2021, địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động là thành phố Đồng Hới (11 vụ, chiếm 48% số vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh). So với cùng kỳ năm 2020, tổng số vụ tai nạn lao động tăng 5 vụ, số người bị nạn tăng 4 người; số vụ tai nạn chết người tăng 2 vụ, số người chết giảm 01 người; không xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm bị thương nặng hoặc chết từ 02 người lao động trở lên (năm 2020 có 2 vụ).
Theo kết quả điều tra các vụ tai nạn lao động chết người (6 vụ), loại hình cơ quan, đơn vị sự nghiệp xảy ra 4 vụ tai nạn lao động chết người, chiếm 67% vụ tai nạn chết người và 67% số người chết, trong đó có 03 vụ tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động, 1 vụ tai nạn lao động trong sản xuất. Loại hình Công ty cổ phần xảy ra 2 vụ tai nạn lao động chết người, chiếm 33% vụ tai nạn chết người và 33% số người chết, trong đó 01 vụ tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động, 01 vụ tai nạn lao động trong sản xuất.

Công ty Điện lực Quảng Bình là một trong những đơn vị luôn thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động

Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là sản xuất vật liệu xây dựng (2 vụ, làm chết 2 người, chiếm 33% số vụ tai nạn lao động chết người), lĩnh vực hành chính sự nghiệp 4 vụ, làm 4 người chết, chiếm 67%. Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động xảy ra 4 vụ, làm 4 người chết, chiếm 67% tổng số vụ; tai nạn lao động trong sản xuất có 2 vụ, làm 2 người chết, chiếm 33%.
Cũng theo điều tra, các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người ở Quảng Bình là do lỗi người lao động (4 vụ, làm 4 người chết, chiếm 67% tổng số vụ); nguyên nhân do lỗi hỗn hợp (lỗi của người sử dụng lao động và người lao động) là 2 vụ, làm 2 người chết, chiếm 33%.
Qua theo dõi cho thấy, trong khu vực có quan hệ lao động, tần suất tai nạn lao động là 11,5% trên số người lao động; tần suất số người chết là 3% trên số người lao động.
Được biết, cơ bản các vụ tai nạn lao động chết người đã được các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh khai báo theo quy định của pháp luật. Sự phối hợp giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an các huyện, thị xã, thành phố với Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh đã kịp thời, có hiệu quả hơn trong việc điều tra các vụ tai nạn lao động chết người xảy ra trên địa bàn.
Bên cạnh đó, việc khai báo tai nạn lao động và điều tra tai nạn lao động của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh cho thấy: Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động trong sản xuất chủ yếu là lỗi của người lao động không chấp hành tốt pháp luật giao thông đường bộ, nội quy, quy định làm việc an toàn (chưa tuân thủ nghiêm ngặt công tác an toàn lao động trong sản xuất, bất cẩn, chủ quan...); một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động chưa chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, phòng ngừa tai nạn lao động tại nơi sản xuất; chưa chú trọng việc tổ chức huấn luyện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.
Tăng cường kiểm tra lĩnh vực có nhiều nguy cơ
Thời gian tới, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu và đề nghị các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, tổ chức, người sử dụng lao động và người lao động quan tâm triển khai thực hiện tốt việc khai báo, thống kê và báo cáo tình hình tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng; đánh giá, công bố thông tin tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động trên địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về công tác vệ sinh lao động như lập hồ sơ vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, đo kiểm điều kiện lao động tại nơi làm việc, trong đó quan tâm đo kiểm những nơi điều kiện lao động có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, lập hồ sơ sức khỏe thông qua khám sức khỏe nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động và người lao động chấp hành tốt công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; nội quy, quy trình làm việc an toàn, sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân tại đơn vị để hạn chế các nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động.
Tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động. Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động. Chú trọng hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa tai nạn lao động tại đơn vị.
Đặc biệt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Bình tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng. Tham mưu kịp thời công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất có tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn, dễ xảy ra tai nạn chết người như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đá... nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bảo đảm an toàn cho người lao động.

Chí Tâm