Thời sự
Quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, đảm bảo tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội
04:22 PM 18/11/2020
(LĐXH) - Đó là chủ đề của buổi Tọa đàm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 18/11/2020 nhằm góp ý các Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng theo Hướng dẫn 151-HD/BKGTW ngày 10/9/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng chủ trì Toạ đàm.
Tham dự buổi Tọa đàm còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, thực hiện hướng dẫn 151-HD/BKGTW ngày 10/9/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của Nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai 4 hình thức lấy ý kiến của Nhân dân: Thông qua Cổng Thông tin điện tử của Bộ chuyên mục Lấy ý kiến góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các công chức, viên chức chưa là đảng viên; Lấy ý kiến trực tiếp các Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Viện Khoa học Lao động và Xã hội tổng hợp và tổ chức buổi Tổ chức Toạ đàm hôm nay.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm
Trong bài tham luận “Quản lý phát triển xã hội bền vững (PTXHBV), bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030”, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Việt Nam chuẩn bị bước sang giai đoạn phát triển mới 2021 – 2030 theo quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra; Phấn đấu thực hiện thành công, về đích 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết thực hiện trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó liên quan đến quản lý PTXHBV, bảo đảm ASXH.
Để thực hiện hiệu quả quản lý PTXHBV, bảo đảm ASXH giai đoạn 2021 – 2030 Việt Nam cần phải tập trung xây dựng Chính phủ kiến tạo và phát huy cao nhất vai trò của Chính phủ kiến tạo đối với quản lý PTXHBV, bảo đảm ASXH giai đoạn 2021 – 2030. Xây dựng Chính phủ kiến tạo là bước ngoặt chuyển từ chính phủ thực hiện chức năng quản lý là chính sang Chính phủ vừa là chủ thể quản lý, vừa là chủ thể phục vụ. Để xây dựng Chính phủ kiến tạo, vấn đề cơ bản là phải xác định rõ vai trò của Chính phủ và vai trò của thị trường, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Chính phủ và thị trường. Chính phủ quản lý phải tôn trọng các nguyên tắc thị trường và thúc đẩy các thị trường cơ bản phát triển đồng bộ, lành mạnh, hoạt động theo các quy luật khách quan. Chính phủ không làm thay hoặc can thiệp hành chính vào thị trường. Tuy nhiên, Chính phủ cũng không tuyệt đối hoá vai trò của thị trường mà tích cực can thiệp vào thị trường để định hướng thị trường phát triển mạnh, thực hiện phân bổ và sử dụng hiệu quả  nguồn lực quốc gia cho tăng trưởng và phát triển với chất lượng ngày càng cao hơn.
TS. Nguyễn Hữu Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội trình bày tham luận “Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030”
TS. Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, những nội dung cơ bản về quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 bao gồm 7 lĩnh vực: Thực hiện ưu đãi NCC với cách mạng bảo đảm người có công và gia đình có mức sống cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú; phát triển kỹ năng nghề nghiệp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu việc làm bền vững của người lao động; phát triển việc làm bền vững, tăng thu nhập cho người lao động và giảm nghèo bền vững; phát triển bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết 28-NQ/TW Hội nghị BCH Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH; phát triển trợ giúp xã hội nhằm ổn định đời sống và hoà nhập xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; bảo đảm bình đẳng giới thực sự trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, TS. Nguyễn Hữu Dũng kiến nghị một số giải pháp:
Một là, tâp trung xây dựng thành công Chính phủ kiến tạo quản lý PTXHBV, bảo đảm ASXH ở Việt Nam phù hợp với giai đoạn phát triển mới 2021 – 2030
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thế chế quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội
Ba là, xây dựng và thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và ASXH bền vững giai đoạn 2021 – 2025
Bốn là, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội, ASXH
Năm là, phát triển và nâng cao vai trò của các đối tác xã hội tham gia với Chính phủ kiến tạo trong quản lý PTXHBV, bảo đảm ASXH
Sáu là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, chất lượng hội nhập và hợp tác quốc tế về quản lý PTXHBV, bảo đảm ASXH.
Ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội trình bày một số định hướng lớn về Quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Theo ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, năm 2019-2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng 2 báo cáo chuyên đề phục vụ xây dựng các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bao gồm: (1). Báo cáo chuyên đề Đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển xã hội của Chiến lược 10 năm 2011-2020, Kế hoạch 5 năm 2016-2020 và các mục tiêu phát triển xã hội giai đoạn 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025; (2). Báo cáo chuyên đề Đánh giá việc thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nhân lực trong giai đoạn 2011-2020 và vấn đề đặt ra trong giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Trong đó có rất nhiều nội dung được Tiểu ban sử dụng để xây dựng các văn kiện. Điều này khẳng định những đóng góp có ý nghĩa của Bộ trong việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.             
Những thành tựu trong quản lý phát triển xã hội bền vững thể hiện ở thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được xác lập theo hướng đầy đủ, hiện đại và hội nhập. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được tôn trọng, bảo vệ”, thể hiện: (1) Chính sách phát triển nguồn nhân lực được đẩy mạnh, nhất là nhân lực chất lượng cao, gắn kết hơn với nhu cầu thị trường. (2) Thị trường lao động phát triển hơn, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. (3) ASXH cơ bản được đảm bảo; PLXH được quan tâm hơn; chính sách đối với người có công được thực hiện tốt; chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội được cải cách và kết quả thực hiện có nhiêu tiến bộ; giảm nghèo nhanh, vượt mục tiêu đặt ra. (4) Bình đẳng giới được thực hiện hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Về định hướng giai đoạn 2021-2030, Bộ xác định quản lý phát triển xã hội phải hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Nhiệm vụ chung cho giai đoạn 2021-2030 là: (1) Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và bền vững; phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số. (2) Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế xã hội; đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội bền vững, hài hoà. (3) Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực (chất lượng cao), đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập và phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội nhanh. (4) Dự báo đúng xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội làm cơ sở xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp. (5) Gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội, quan tâm lĩnh vực công tác xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. (6) Đổi mới cơ chế, huy động phân bổ và đa dạng hoá các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp dân cư, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển, nhất là với lao động khu vực phi chính thức.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Nhiệm vụ cụ thể lĩnh vực lao động, người có công và xã hội bao gồm: (1) Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công phù hợp nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. (2) Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề. (3). Xây dựng chính sách và giải pháp đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề do chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tác động của CMCN 4.0. (4) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách, đãi ngộ. (5) Đổi mới phương pháp tiếp cận trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách lao động việc làm bám sát với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội và xu hướng của thời đại; gắn trực tiếp các mục tiêu, chỉ tiêu về lao động việc làm với mục tiêu phát triển kinh tế. (6) Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý của Nhà nước; hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thông tin dự báo thị trường lao động và chất lượng dịch vụ việc làm. Có cơ chế, chính sách để định hướng dịch chuyển lao động thông thoáng, phân bố hợp lý lao động theo vùng. (7) Cải cách tổng thể, hệ thống, đồng bộ chính sách tiền lương theo nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương. Tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp theo hướng Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu; tăng cường cơ chế thương lượng, thoả thuận; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. (8) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ưu tiên đưa lao động kỹ thuật đi làm việc ở những thị trường thu nhập cao, an toàn và phát huy nguồn lực này sau khi về nước. (9) Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động. (10) Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế; nâng cao tỉ trọng lao động khu vực chính thức, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, đặc biệt là lao động nông nghiệp chuyển đổi nghề. (11) Phát triển an sinh xã hội, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm cho các nhóm đối tượng yếu thế. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng-hưởng, chia sẻ - bền vững. (12) Giảm nghèo bền vững; thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc. (13) Thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ. Giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. (14) Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực trẻ em.
TS. Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội trình bày tham luận về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội giai đoạn 2021 – 2030: Nhiệm vụ và giải pháp
Tại buổi tọa đàm, đại diện Lãnh đạo các đơn vị, gồm: Cục Việc làm, Vụ Bảo hiểm Xã hội, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương đã tập trung thảo luận góp ý những vấn đề về nhiệm vụ và giải pháp phát triển lĩnh vực việc làm, tiền lương và quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, giảm nghèo, trợ giúp xã hội giai đoạn 2021- 2030…
Đức Tùng