Lao động
Quản lý lao động trong bối cảnh già hoá dân số
03:02 PM 26/11/2020
(LĐXH) - Ngày 26/11/2020, dưới sự tài trợ của Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam (HSF), Trường Đại học Lao động - Xã hội phối hợp với HSF tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quản lý lao động trong bối cảnh già hoá dân số".

Tham dự Hội thảo, có PGS. TS Lê Thanh Hà, Phó bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; ông Michael Siegner, Trưởng Đại diện của Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam; đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và giảng viên các trường đại học; đại diện các Phòng, Khoa thuộc Trường Đại học LĐXH và các giảng viên Khoa Quản lý nguồn nhân lực.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: "Trong bối cảnh già hóa dân số và cách mạng công nghiệp 4.0, rất nhiều vấn đề đặt ra đối với người cao tuổi cần quan tâm, giải quyết, nhất là về kinh tế - xã hội, việc làm; tác động của vấn đề già hóa dân số đến kinh tế - xã hội, việc làm cho người cao tuổi như thế nào? Quan điểm về những vấn đề này ra sao? Có cần điều chỉnh, thay đổi hay không? Người già có phải là đối tượng cần được xã hội hỗ trợ hay cần nhìn nhận người cao tuổi một cách công bằng như những đối tượng dân số khác? Hội thảo sẽ bàn về những vấn đề đó ở Việt Nam trong mối tương quan với kinh nghiệm quốc tế. Từ đó đưa ra những khuyến nghị để các cơ quan hoạch định chính sách của Bộ LĐTBXH sẽ có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới của nền kinh tế". PGS. TS Lê Thanh Hà cũng mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ trao đổi, thảo luận cởi mở nhằm đưa ra các luận điểm khoa học để từ đó có những kết luận sơ bộ, giúp Bộ LĐTBXH cách nhìn nhận và điều chỉnh chính sách thích hợp.
PGS. TS Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày, trao đổi nhiều bài nghiên cứu có giá trị, mang hàm lượng khoa học cao và thể hiện tính đa dạng trong cách tiếp cận. Đây là những bài viết không chỉ tổng kết thực tiễn mà còn có tính lý luận, học thuật, còn gợi mở những giải pháp khoa học, hàm ý chính sách quản lý lao động trong bối cảnh già hóa dân số.
Ông Michael Siegner, trưởng đại diện của HSF tại Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo
Già hóa dân số và tác động đến kinh tế - xã hội và việc làm
Theo TS. Nguyễn Thị Minh Hòa, Trưởng Bộ môn Dân số nguồn nhân lực, Trường Đại học Lao động – Xã hội và ThS. Hà Tuấn Anh, Viện Phát triển bền vững, ĐHKTQD trong bài tham luận “Già hóa dân số - Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam”, già hóa dân số đang trở thành một trong những chủ đề được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới và là một trong những hiện tượng biến đổi xã hội quan trọng nhất của thế kỷ 21. Quá trình này sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
TS. Nguyễn Thị Minh Hòa, Trưởng Bộ môn Dân số nguồn nhân lực, Trường Đại học Lao động – Xã hội trình bày tham luận về Cơ sở lý luận về già hóa dân số và tác động của già hóa dân số tới phát triển Kinh tế - xã hội
Theo kết quả Tổng điều tra dân số 2019, tổng số người trên 60 tuổi ở Việt Nam là 11,4 triệu, chiếm 11,9%, với ước tính sẽ tăng lên 26,9 triệu người vào năm 2049, tức chiếm tới 24,8%. Trong đó, số lượng người trên 80 tuổi được ước tính cũng sẽ tăng cao tương ứng, từ 1,9 triệu người trên 80 tuổi vào năm 2019 tăng lên 4,3 triệu người vào năm 2049. Không chỉ ở Việt Nam có dân số già, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi của thế giới dự kiến cũng ​​sẽ tăng từ 12% vào năm 2015 lên 22% vào năm 2050.
ThS. Hà Tuấn Anh, Viện Phát triển bền vững, ĐHKTQD trình bày tham luận về “Già hóa dân số - Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam”
Già hóa dân số gây ra nhiều hậu quả về kinh tế xã hội và sức khỏe, trong đó có sự suy giảm tỷ số hỗ trợ tiềm năng (hay gia tăng tỷ số phụ thuộc tuổi già). Nó đặt ra những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng (đặc biệt là gánh nặng ngày càng tăng của chi phí chăm sóc sức khỏe đối với ngân sách quốc gia) cũng như đối với sự phát triển kinh tế (chẳng hạn như lực lượng lao động bị thu hẹp và già đi và tính bất khả thi của việc trả lương hay hệ thống an sinh xã hội).
Còn theo PGS. TS. Nguyễn Nam Phương, Trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân: Người cao tuổi (NCT) mặc dù đã hết tuổi lao động nhưng đại bộ phận vẫn muốn tham gia các hoạt động kinh tế ở các mức độ khác nhau nhằm cải thiện điều kiện sống của bản thân và gia đình. Với tuổi nghỉ hưu và tuổi thọ như hiện nay thì rất nhiều người cao tuổi vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phủ hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình.
Theo báo cáo “Chính sách quốc gia toàn diện thích ứng với già hóa dân số và kết quả tham vấn năm 2020”  của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), kết quả nghiên cứu về thực trạng tham gia hoạt động kinh tế của NCT từ tháng 6 đến tháng 8-2020 tại 3 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy, 40-45% NCT tham gia hoạt động kinh tế. Trong số những NCT tham gia hoạt động kinh tế có khoảng 3 - 4% là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi... đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động ở khắp vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó, có hàng chục nghìn NCT tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật...
TS. Elvira Graner, chuyên gia CIM tại Bộ LĐTB & XH trình bày về “Kinh nghiệm quốc tế về quản lý dân số/và sử dụng lao động cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số”.
Năm 2018, tỷ lệ người lao động cao tuổi (nữ từ 55 trở lên và nam từ 60 trở lên) trong tổng số lao động nói chung tăng từ 10,51% năm 2012 lên 12,45% năm 2016, trong khi đó lao động ở nhóm tuổi 15-24 lại giảm từ 15,07% xuống còn 13,79% trong tổng số người đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân.
Các số liệu cho thấy, gần 55% NCT vẫn đang làm việc nhưng hầu hết là trong các hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Lao động cao tuổi chủ yếu hoạt động trong khụ vực kinh tế tư nhân, hộ gia đình, số tham gia hoạt động trong khu vực kinh tế Nhà nước chiếm tỷ lệ thấp và tỷ lệ tham gia của nữ giới thấp hơn hẳn so với nam giới cao tuổi.
Ở nông thôn, người cao tuổi làm trong lĩnh vực nông lâm nghiệp chiếm tới 82%  và số ít còn lại làm trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, xây dựng.
Cần có chính sách quản lý lao động thích ứng với già hóa dân số
Từ thực trạng nêu trên, các chuyên gia tại Hội thảo đã đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo thích ứng với già hóa dân số, đặc biệt là trong chăm sóc sức khỏe, quản lý lao động và bảo đảm việc làm cho người cao tuổi.
Theo đó, cần tiếp tục thực hiện, rà soát và điều chỉnh các chính sách liên quan vừa để đảm bảo quy mô dân số hợp lý, vừa tránh các mâu thuẫn không đáng có trong việc thực thi. Khi đề xuất, hoạch định các chương trình, hoạt động đối với người cao tuổi, đặc biệt là các can thiệp an sinh xã hội, phải cân nhắc yếu tố giới phù hợp thích ứng với xu hướng “nữ hóa” dân số già. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các nghiên cứu chuyên sâu về Dân số và phát triển, đa ngành đa lĩnh vực (trong đó bao trùm các vấn đề già hóa dân số kết hợp với Y học, Kinh tế, Toán học …vv), và học hỏi các kinh nghiệm của các quốc gia thích ứng già hóa thành công.
Về việc làm cho người cao tuổi, cần thay đổi tư duy về vấn đề tạo việc làm cho người cao tuổi, thực hiện vận động xã hội ủng hộ việc chống kỳ thị dựa vào tuổi trong việc làm và ban hành quy định pháp lý cụ thể để chống lại sự phân biệt theo tuổi. Hoàn thiện pháp luật về người lao động cao tuổi trên các phương diện cụ thể, như: y tế, thu nhập, an sinh xã hội,… cho người lao động cao tuổi, trong đó cần từng bước hoàn thiện các quy định pháp lý, chính sách và cơ chế điều hành thực hiện các quan hệ lao động, đặc biệt là lao động của người cao tuổi, các hoạt động về thanh tra lao động, kỷ luật lao động, đảm bảo điều kiện lao động tốt nhất và an toàn lao động nghiêm ngặt cho người lao động theo qui định...
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi muốn tiếp tục làm việc ở nơi làm việc cũ và tránh bị những thiệt thòi trong việc trả lương, tạo ra một chế độ làm việc, giờ giấc đa dạng hơn cho người lao động cao tuổi nhằm giúp họ tiếp tục được công việc ban đầu; khuyến khích các chủ doanh nghiệp cải thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị thân thiện, phù hợp hơn với lao động cao tuổi, ngăn ngừa tai nạn nghề nghiệp và duy trì năng suất lao động. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể cho NCT và cần có sự ưu tiên, khác biệt giữa chính sách hỗ trợ về sinh kế đối với NCT với chính sách hỗ trợ sinh kế đối với người dân có độ tuổi thấp hơn độ tuổi của NCT.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Đức Tùng