Thời sự
Qatar: Cuộc đối đầu cân não ở Vùng Vịnh
08:26 AM 14/06/2017
Cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua ở khu vực Vùng Vịnh chưa có dấu hiệu kết thúc. Thậm chí nó còn đặt ra nhiều bài toán với hàng loạt các mối quan hệ chằng chéo cùng những lợi ích đan xen khiến cho bầu không khí ở chảo lửa vùng Vịnh càng thêm nóng, hứa hẹn sẽ có những cuộc đối đầu “cân não” giữa các bên.
Hơn 1 tuần kể từ khi 7 quốc gia vùng Vịnh bao gồm Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen và Maldives cùng chấm dứt quan hệ với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, đến nay đã có thêm 2 nước nữa “từ mặt” Qatar là Mauritius và Mauritania, nâng tổng số các quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc gia giàu nhất thế giới này lên 9 nước.
Một loạt các biện pháp trừng phạt dồn dập giáng xuống quốc gia nằm gọn trên bán đảo Ả rập chỉ có 1 phần tiếp giáp đường bộ với Saudi Arabia, như đóng cửa biên giới và đóng cửa không phận, phong tỏa các tài khoản ngân hàng của cá nhân, tổ chức có liên quan đến Qatar bị cáo buộc dính líu đến khủng bố, các ngân hàng nước ngoài được lệnh giảm hoạt động tại Qatar, người dân được cho thời hạn về nước…
Người dân đổ đến siêu thị tích trữ thực phẩm sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao nổ ra
Ai sẽ phải trả giá cho cuộc khủng hoảng Qatar?
Chỉ hơn 1 tuần rơi vào thế bị cô lập, nhưng Qatar đã nếm đủ vị đắng. Đó là tình trạng đồng tiền nội tệ bị rớt giá, người dân Qatar đổ xô đến các cửa hàng, siêu thị thu gom lương thực, họ cũng đến các ngân hàng đổi tiền,  các chuyến bay đi và đến Qatar giờ đây phải chuyển hướng khiến chi phí gia tăng… . Mặc dù là quốc gia giàu có, nhưng người dân Qatar lại sống phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu, 80% lương thực và các nhu yếu phẩm của nước này phải nhập khẩu từ các nước vùng Vịnh.  Iran đã huy động máy bay, tàu biển giúp đỡ người bạn láng giềng, như chở 90 tấn lương thực và các nhu yếu phẩm sang Qatar bằng đường hàng không cùng khoảng 350 tấn lương thực bằng đường biển.
Cuộc khủng hoảng này càng kéo dài thì các bên sẽ càng phải trả giá đắt. Bởi trong cuộc chơi nguy hiểm này, Qatar không phải là nước duy nhất mất mát. Qatar là một quốc gia nhỏ bé nhưng là “bé hạt tiêu”, bởi Qatar là quốc gia xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất, trữ lượng dầu đứng thứ 14 thế giới. Đây chính là thứ “vũ khí” biến đất nước nhỏ bé này trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới, lại sở hữu rất nhiều đường ống dẫn dầu ở Vùng Vịnh. Mới đây Bộ trưởng tài chính Qatar S.al- Emadi tuyên bố rằng  các nước áp đặt trừng phạt Qatar cũng sẽ bị tổn hại về kinh tế, và nước này đủ khả năng vượt qua sức ép bao vây kinh tế.
Một số quốc gia đứng về phía Qatar trong cuộc khủng hoảng này như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đang ra sức giúp đỡ Qatar, ví dụ như Iran không chỉ hỗ trợ lương thực, nước này còn tăng 17% lưu lượng hàng không đi và đến Qatar, tương đương với khoảng 100 chuyến bay mỗi ngày, bởi hiện nay cả đường bộ, đường không tới Qatar đều bị phong tỏa.
Kịch bản nào cho cuộc khủng hoảng ở Qatar
 Người ta ví cuộc khủng hoảng Qatar bắt nguồn từ những mâu thuẫn âm ỉ  suốt hàng chục năm qua giữa Qatar và những người láng giềng vùng Vịnh.  Trong khu vực vùng Vịnh, vốn chịu nhiều ảnh hưởng của Saudi Arabia, chủ yếu là những người Hồi giáo dòng Sunni, trong khi đó Qatar mặc dù là thành viên của nhiều tổ chức do Saudi Arabia đứng đầu nhưng lại có mối quan hệ thân thiết với Iran – quốc gia đa số người dân theo đạo Hồi dòng Shiite. Theo các nhà phân tích, bản chất lớn nhất của cuộc khủng hoảng không phải là những tuyên bố ngoại giao, mà là sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc và mâu thuẫn giữa 2 dòng Hồi giáo là Sunni và Shiite. Cuộc khủng hoảng chạm tới giới hạn cuối cùng khi hãng tin Qatar dẫn lời Quốc vương nước này ca ngợi Israel và Iran, các nước vùng Vịnh lập tức tuyên bố Qatar ủng hộ khủng bố. Với động thái cô lập Qatar, các nước vùng Vịnh muốn gửi tới thông điệp rằng họ muốn lập lại trật tự ở vùng Vịnh.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ngoại giao lần này sẽ đi đến đâu thì chưa ai biết. Nhiều kịch bản đã được dự đoán, nhưng chưa kịch bản nào thuyết phục. Ví như đòn trừng phạt này sẽ kéo dài dai dẳng và Qatar sẽ vẫn khỏe nhờ vào những người bạn như Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran; kịch bản thứ 2 là  Qatar và các bên đi đến một thỏa thuận; kịch bản cuối cùng là  sẽ nổ ra một cuộc chiến tranh vùng Vịnh mới.
Nhiều nhà phân tích chính trị cho biết, dù diễn tiến theo hướng nào thì dầu mỏ và khí thiên nhiên sẽ là vũ khí mà Qatar sẽ trang bị cho mình. Mặc dù khả năng này ít xảy ra, bởi nếu lấy con bài này ra để mặc cả hoặc gây sức ép cho các nước vùng Vịnh, ít nhiều  Doha cũng sẽ không có lợi, ít nhất là về mặt kinh tế. Về phía ngoại giao, có thể Mỹ sẽ đứng ra là một bên trung gian bởi nước này sẽ không có lợi gì khi các đồng minh của mình mâu thuẫn.

 

 

Theo Sức khỏe đời sống