Xã hội
Phú Yên: Chung tay vì người khuyết tật
12:03 PM 30/05/2017
(LĐXH) - Đề án Trợ giúp NKT đã đưa ra những nội dung mang tính tiếp cận hơn với nhu cầu của đối tượng, trong đó có những nội dung mới, đó là tiếp cận phương tiện giao thông, trợ giúp pháp lý và tập huấn kỹ năng.

Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, hiện, toàn tỉnh có 20.140; Hàng năm, kinh phí chi trả trợ cấp xã hội cho 19.154 NKT (95,1%) là hơn 100 tỷ đồng; hiện có 36 NKT đang nuôi dưỡng và chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội. Toàn tỉnh đã cấp cho 19.516 thẻ BHYT cho NKT, có 1.550 người được theo dõi phục hồi chức năng tại nhà trong đó có 560 người tiến bộ hòa nhập cộng đồng; địa phương cũng khám sàn lọc cho 11.816 trẻ em từ 0 đến dưới 6 tuổi, phẫu thuật 215 trẻ khuyết tật vận động, 182 trẻ hở hàm ếch, 20 trẻ khuyết tật về mắt và 125 em khiếm thính; 91 trẻ tuổi mầm non đã thực hiện can thiệp sớm, 577 trẻ đang học hòa nhập tại các trường phổ thông, 507 trẻ đã và đang được giáo dục chuyên biệt tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh; 273 NKT được học nghề, hỗ trợ cho 45 người mù vay với số tiền 560 triệu đồng, các hộ vay đã sử dụng đúng mục đích, trả nợ vay đúng hạn và góp phần cải thiện đời sống cho NKT. Nhiều mô hình trợ giúp xã hội đối với NKT được triển khai có hiệu quả như mô hình phục hồi chức năng cho NKT tại cộng đồng, mô hình chi trả trợ cấp xã hội cho NKT thông qua đơn vị dịch vụ, mô hình sinh kế cho NKT...

Công tác chăm lo cho người khuyết tật đã được sự tham gia của các hội, đoàn thể (Ảnh:baophuyen)

Về cơ bản, Đề án Trợ giúp NKT đã đưa ra những nội dung mang tính tiếp cận hơn với nhu cầu của đối tượng, trong đó có những nội dung mới, đó là tiếp cận phương tiện giao thông, trợ giúp pháp lý và tập huấn kỹ năng. Đây là những vấn đề thực tiễn mà NKT còn gặp nhiều khó khăn, cần được quan tâm tháo gỡ để nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh những nội dung tiếp nối thành quả của đề án giai đoạn trước, những nội dung mới được đưa vào đề án thực sự làm thỏa lòng mong mỏi của NKT và những người hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp NKT.

Tuy nhiên, với số lượng đối tượng khuyết tật lớn, Phú Yên vẫn đang gặp nhiều thách thức trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cho NKT. Việc thực hiện chính sách vẫn nặng về tính “cho và nhận” nên chưa đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của tất cả NKT, gia đình NKT trên địa bàn; nhiều trường hợp chưa tiếp cận với mạng lưới dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục, việc làm, học văn hóa...

 Trước thực tế đó, để giúp NKT có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành kế hoạch triển khai sâu rộng đề án Trợ giúp NKT năm 2017. Mục tiêu của đề án là phấn đấu phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT; hỗ trợ dụng cụ phục hồi chức năng cho NKT; trợ giúp tiếp cận giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm; trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông…Để Đề án thành công, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các hội, đoàn thể, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện chặt chẽ. Tổng kinh phí triển khai thực hiện Đề án là 630.000.000 đồng./.

Trần Huyền