Lao động
Phú Thọ: Xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững
03:26 PM 20/02/2019
Tính trung bình mỗi năm, toàn tỉnh Phú Thọ có khoảng 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, riêng năm 2018, số lượng người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) là 3.420 người. Kiều hối người lao động gửi về mỗi năm gần 1.000 tỷ đồng. Từ nguồn tiền ấy, nhiều gia đình đã đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm tại chỗ, vươn lên thoát nghèo và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Lân phấn khởi cho biết ngôi nhà của gia đình đã được sửa chữa nhờ tiền của người con trai thứ 2 đi XKLĐ ở Đài Loan
Những năm trước, gia đình ông Vũ Văn Lân ở khu 4, xã Tùng Khê, huyện Cẩm Khê là một trong những hộ cận nghèo của xã. Nhà có 2 người con trai, người con trai cả đã lập gia đình và làm nông nghiệp ở địa phương. Đầu năm 2015, ông Lân mạnh dạn vay vốn cho người con trai thứ là anh Vũ Mạnh Cường, sinh năm 1996 đi XKLĐ ở Đài Loan. Với bản tính cần cù chịu khó, hằng tháng trừ tiền chi phí sinh hoạt anh gửi về cho gia đình 20 triệu đồng. Hết năm 2015, anh Cường đã trả hết số tiền mà gia đình vay để đi XKLĐ. Ngoài ra, anh Cường còn gửi tiền về giúp gia đình sửa lại ngôi nhà đã xuống cấp; mua thêm được 1 mảnh đất thổ cư, mua cặp bò sinh sản và 1 máy bừa để đi bừa thuê. Có đồng vốn để dành và để đầu tư tư liệu sản xuất, thu nhập của gia đình ông Lân tăng lên. Cuối năm 2018, gia đình ông đã thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã.
Ông Lân phấn khởi chia sẻ: “Cũng nhờ cháu Cường đi làm bên Đài Loan gửi tiền về nên gia đình tôi mới có đồng vốn để phát triển sản xuất, thoát khỏi hộ cận nghèo. Thấy làm việc bên Đài Loan cho thu nhập tốt, nên khi hết hạn 3 năm theo hợp đồng, cháu Cường lại tiếp tục ký thêm hợp đồng với công ty và đã sang Đài Loan vào tháng 6/2018”.
Ông Vũ Văn Thống - Trưởng khu 4 cho biết: Khu 4 là khu có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo nhiều nhất xã Tùng Khê. Hiện tại khu có 4 người đang đi XKLĐ ở Đài Loan. Cả 4 trường hợp này đều cho thu nhập ổn định và gửi tiền về cho gia đình trang trải cuộc sống, xây nhà kiên cố lại và có đồng vốn đầu tư vào phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Cũng là một hộ nghèo trong xã từ trước năm 2017, gia đình chị Nguyễn Thị San ở khu 6, xã Tùng Khê chỉ biết gắn bó với mấy sào ruộng. Năm 2015 và 2017 anh chị lần lượt cho 2 người con đi XKLĐ tại Nhật Bản.
Chị San cho biết: “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, phải nuôi 2 con nhỏ ăn học và bố mẹ già yếu nên cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Cho con đi học thì phải chạy vạy vay mượn khắp nơi mới có tiền đóng học phí. Cháu lớn sau 3 năm đi XKLĐ ở Nhật đã dành dụm được số tiền gần 700 triệu đồng. Có tiền, vợ chồng tôi lại tiếp tục đầu tư cho cháu thứ 2 đi XKLĐ tại Nhật. Các cháu đi XKLĐ chịu khó làm lụng, tích cóp rồi gửi tiền về cho bố mẹ. Nhờ đó gia đình tôi có tiền xây ngôi nhà mới 2 tầng này để ở và có tiền dành dụm cho các cháu sau này”.
Gia đình chị San đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo năm 2017 và năm 2018 thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã.
 Năm nay gia đình chị San vừa thoát khỏi hộ cận nghèo, vừa xây được ngôi nhà 2 tầng mới
Theo ông Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Khê: Huyện luôn xác định XKLĐ là hướng đi đúng đắn, đòn bẩy trong giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng cho người dân. Những năm gần đây số lượng người đi XKLĐ hằng năm đều vượt từ 8 - 12% so với chỉ tiêu, riêng năm 2018 toàn huyện có 263 người đi XKLĐ. Đối với các hộ nghèo và cận nghèo, huyện luôn phổ biến kịp thời để cho họ nắm bắt được các chế độ chính sách, các chương trình XKLĐ, đặc biệt là tạo điều kiện thực hiện các thủ tục vay vốn ngân hàng, thủ tục hành chính. Qua đó giúp cho các hộ nghèo và cận nghèo tìm được thị trường xuất khẩu phù hợp, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống vươn lên thoát nghèo.
Tại huyện Yên Lập, XKLĐ đang là một trong những hướng giải quyết việc làm hiệu quả, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ gia đình. Nhờ XKLĐ mà tỷ lệ hộ nghèo của huyện những năm gần đây giảm đáng kể. Nếu như năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo là của huyện 24,5% thì đến năm 2018 giảm còn 13,2% (giảm 3,7%/năm). Có nhiều gia đình có con em đi XKLĐ không những thoát nghèo mà còn trở thành những hộ khá giả ở địa phương. Hiện tại, toàn huyện có 195 lao động đang đi làm việc tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia.
Ông Hà Đức Tuấn - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Lập cho biết: XKLĐ không chỉ giúp các hộ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, tích cực tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của thôn, xã mà còn góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Vì vậy chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia XKLĐ. Hiện tại, chúng tôi đã giới thiệu cho 4 doanh nghiệp XKLĐ có uy tín đến tận các xã, thị trấn tuyển chọn lao động, giúp người dân thuận tiện nhất trong việc tiếp cận thông tin.
Ông Đinh Trọng Hồng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “XKLĐ được xác định là hướng đi đúng đắn trong công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế của nhiều địa phương trong tỉnh. Để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em của các hộ nghèo, hộ cận nghèo được đi XKLĐ, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay, thủ tục hành chính cho người nghèo đi XKLĐ. Sở cũng chỉ đạo chặt chẽ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các huyện, thành, thị lựa chọn các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín, về tận địa phương tuyển người lao động, đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân”.
Thu Hương