Lao động
Phú Thọ nâng cao ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ tại nơi làm việc
03:36 PM 26/04/2021
(LĐXH)- Hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có ý thức về việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), cải thiện điều kiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động được quan tâm…
Theo thống kê từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tăm 2020, tỉnh Phú Thọ xảy ra 12 vụ tai nạn lao động làm chết 15 người; trong đó có quan hệ lao động 11 vụ làm chết 11 người, không có quan hệ lao động 01 vụ  tai nạn nghiêm trọng làm chết 04 người. Cụ thể, tai nạn liên quan đến thi công xây dựng 02 vụ làm chết 05 người, gồm 01 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong khu vực không có quan hệ lao động làm chết 04 người; tai nạn lao động nguyên nhân do tai nạn giao thông 03 vụ làm chết 03 người; tai nạn do điện 02 vụ làm chết 02 người; tai nạn do cuốn kẹp 03 vụ làm chết 03 người; tai nạn do máy cắt 01 vụ làm chết 01 người; tai nạn do ngã cao 01 vụ làm chết 01 người.

Đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động tại Công ty Cổ phần Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao

Tính đến 31/3/2021, toàn tỉnh xảy ra 03 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết làm 03 người chết và 6 người bị thương. Trong đó, tai nạn liên quan đến thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt 02 vụ làm chết 02 người, bị thương nặng 02 người (sự cố khi vận hành thiết bị tàu lượn làm chết 01 người thương nặng 02 người; sự cố vận hành thang máy tại công trình sửa chữa nhà ở dân dụng làm 01 người chết). Sự cố trên dàn giáo trong thi công xây dựng làm 01 người chết, 04 người bị thương.
Các vụ tai nạn lao động thuộc thẩm quyền điều tra cấp tỉnh đảm bảo 100% được điều tra đúng trình tự, thời gian theo quy định của pháp luật.
Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ, đánh giá: Những năm qua, đơn vị đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền Luật ATVSLĐ  đối với người sử dụng lao động và người lao động. Đến nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã có ý thức về việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, như: xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đối với người lao động; kiểm định các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; ban hành quy trình làm việc an toàn; vân hành thiết bị an toàn; lắp đặt biển cảnh báo; tổ chức đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, toàn cải thiện điều kiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khoẻ người lao động.
Tuy nhiên, thông qua các số liệu báo cáo thì hiện nay các vụ tai nạn, mất an toàn lao động trong hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường bắt nguồn từ những nguyên nhân như: chủ sử dụng lao động chưa quan tâm đến công tác an toàn, chưa huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; chưa ban hành nội quy, quy trình và các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc (ban hành quy trình làm việc an toàn; quy trình vận hành máy, thiết bị an toàn). Không trang bị hoặc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động không đúng với công việc của người lao động đang làm. Vẫn còn một số đơn vị che dấu, thông báo không đầy đủ cho người lao động biết các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc.

Nhiều doanh nghiệp ở Phú Thọ đã quan tâm trang bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động

Bên cạnh đó, người lao động không được huấn luyện về ATVSLĐ, chưa được trang bị kiến thức về ATVSLĐ để nhận diện các mối nguy hiểm nhằm phòng tránh tai nạn lao động. Người lao động còn chủ quan vi phạm quy trình làm việc an toàn, vận hành máy, thiết bị an toàn. Người lao động không được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, hoặc được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân nhưng không sử dụng, hoặc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân không đúng quy cách.
Phó Giám đốc Trần Minh Tuấn cũng cho biết: Qua kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ nhận thấy, các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn FDI thực hiện khá tốt về công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp. Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh (hộ kinh doanh cá thể) thì việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ còn nhiều hạn chế, nhất là tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh trong các ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn, tani nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: khai thác, chế biến gỗ (bóc gỗ) thi công xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí, may mặc, khai thác khoáng sản…
"Để nâng cao ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ tại nơi làm việc, thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về công tác ATVSLĐ; hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc công tác ATVSLĐ; phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác giám sát việc thực hiện ATVSLĐ tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và xử lý nghiêm các hình vi vi phạm…" - Phó Giám đốc Trần Minh Tuấn, chia sẻ./.

Chí Tâm