Giáo dục - Nghề nghiệp
Phú Thọ nâng cao kỹ năng cho đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp
04:03 PM 15/09/2020
(LĐXH)- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ giáo viên dạy nghề (nay là giáo dục nghề nghiệp) được tỉnh Phú Thọ xác định là một trong những giải pháp trọng tâm quyết định đến sự phát triển và nâng cao chất lượng dạy nghề.
Nhờ đó, số lượng giáo viên giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tỉnh trong thời gian qua dần đi vào ổn định, tỷ lệ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững, kỹ năng sư phạm tốt không ngừng tăng lên. Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, dự kiến đến hết năm 2020, tỉnh Phú Thọ có 29 cơ sở GDNN, gồm: 09 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp, 17 trung tâm GDNN (trong đó 24 cơ sở công lập 05 cơ sở tư thục). Tổng số nhà giáo hiện nay là 1.962 người, gồm: 555 trình độ trên đại học (chiếm 28,3%), 779 đại học (chiếm 39,7%), 61 cao đẳng (chiếm 3,1%), 90 trung cấp (chiếm 4,6%) và 476 người trình độ khác (chiếm 24,3%).
Nhằm nâng cao kỹ năng cho đội ngũ giáo viên GDNN, tính đến hết năm 2019, Sở Lao động – TBXH đã phối hợp Trường Cao đẳng Cơ điện tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghề Điện công nghiệp; phối hợp với Tổng cục GDNN (Bộ Lao động – TBXH) tổ chức kiểm tra, đánh giá cấp chứng chỉ cho 13 nhà giáo thuộc 04 cơ sở GDNN. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN còn chủ động xây dựng kế hoạch, cử trên 200 lượt nhà giáo tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các nhà giáo được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Giáo viên Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ hướng dẫn sinh viên thực hành sửa chữa ô tô

Trong 6 tháng đầu năm 2020, phối hợp Trường Cao đẳng Cơ điện tổ chức, quản lý lớp bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghề Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí cho 15 nhà giáo GDNN thuộc Trường Cao đẳng Cơ điện, Công nghệ và Nông lâm, Trung cấp nghề Hermann Gmeiner Việt Trì, Trung tâm GDNN – Giáo dục thường Tân Sơn và thị xã Phú Thọ. Hướng dẫn các cơ sở GDNN đăng ký thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành GDNN, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - TBXH theo yêu cầu; cử cán bộ, nhà giáo tham gia tập huấn, bồi dưỡng về đảm bảo chất lượng cơ sở GDNN; tổ chức Hội nghị giao ban công tác GDNN lần 1 năm 2020...
Ngoài ra, Sở Lao động – TBXH cũng đã chỉ đạo các trường Cao đẳng, Trung cấp, Trung tâm GDNN – Giáo dục thường xuyên có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh cử cán bộ quản lý, nhà giáo tham gia lớp đào tạo kiểm định viên chất lượng GDNN; tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản, nâng cao về đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở GDNN, lập danh sách đăng ký theo nội dung hướng dẫn của Cục Kiểm định chất lượng GDNN.
Đến nay, hầu hết đội ngũ trong các cơ sở GDNN đều đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại Thông tư 08 của Bộ Lao động - TBXH. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDNN luôn được ngành Lao động - TBXH và các cơ sở GDNN chú trọng. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức cho giáo viên các cơ sở GDNN tham gia hội giảng nhà giáo GDNN, hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh, cấp quốc gia nhằm nâng cao tay nghề, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp các tỉnh, thành trong cả nước, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường nghề.
Đối với lĩnh vực hợp tác quốc tế, hiện nay, Phú Thọ có 6/15 trường cao đẳng, trung cấp bố trí bộ phận thực hiện công tác quản lý hợp tác quốc tế, trong đó: 04/06 trường có phòng chuyên trách, 02/06 trường có bộ phận kiêm nhiệm thực hiện công tác hợp tác quốc tế. Trong đó, Trường Cao đẳng Y dược hợp tác với Đại học Nantes (CH Pháp) đào tạo 9 tiến sĩ, trong đó có 4 tiến sĩ đã được cấp bằng; hợp tác với Đại học Deagu, Đại học Chungnam (Hàn Quốc) đào tạo 2 tiến sĩ. Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm cử 02 nhà giáo đi học tập, nghiên cứu sinh tại Trung Quốc.
Nhân dịp các cơ sở GDNN trên địa bàn tiến hành đăng ký và nhập học cho các tân học sinh, sinh viên vào đầu tháng 9/2020, bà Phan Thị Thanh Huyền, Trưởng Phòng dạy nghề (Sở Lao động – TBXH), nhận định: Những năm qua tỉnh Phú Thọ đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên GDNN. Tuy nhiên, xét về trình độ kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm hiện tại của đội ngũ giáo viên thì vẫn chưa bảo đảm đủ chuẩn so với quy định (cả 3 tiêu chí: Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm). Phần lớn giáo viên GDNN chưa đủ khả năng ngoại ngữ để giao tiếp, tự nghiên cứu các tài liệu hoặc tham gia dạy nghề bằng tiếng Anh khi liên kết với các cơ sở dạy nghề ở ngoài nước, trong lúc xu hướng dạy nghề đang tiếp cận đến trình độ khu vực và quốc tế.
"Hướng tới hình thành đội ngũ giáo viên GDNN có đầy đủ phẩm chất, kỹ năng nghề, có khả năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống, phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng xu thế hội nhập thì cần thiết có những chính sách thu hút, đãi ngộ tốt hơn. Huy động thêm nhiều nguồn lực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDNN. Bởi thực tế cho thấy, một trong 3 yếu tố quyết định chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN là việc đào tạo đội ngũ giáo viên cần được các ngành chức năng và cơ sở GDNN chú trọng hơn nữa để đạt chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đội ngũ giáo viên ở các ngành, nghề trọng điểm" - Trưởng Phòng dạy nghề Phan Thị Thanh Huyền, cho biết.

Chí Tâm