Lao động
Phú Thọ: 3.037 doanh nghiệp được hỗ trợ giảm mức đóng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
09:44 AM 31/08/2021
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Phú Thọ đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn; chỉ đạo phòng LĐ,TB&XH các huyện, thành, thị nắm bắt và triển khai thực hiện. Đồng thời thành lập Tổ thẩm định, hướng dẫn, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Tính đến ngày 20/8/2021, ngành LĐ – TB&XH tỉnh đã rà soát, lập danh sách và hướng dẫn các đối tượng thuộc 12 nhóm chính sách được hỗ trợ làm hồ sơ. Riêng đối với nhóm chính sách ở lĩnh vực Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã thực hiện chi trả hỗ trợ. Đối với nhóm hỗ trợ là trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế, UBND tỉnh đã ra quyết định hỗ trợ lần 1 cho 454 trường hợp với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng; các địa phương đang tiếp tục tổng hợp, thẩm định danh sách để trình UBND tỉnh phê duyệt đợt 2 (dự kiến khoảng 150 người).
Cán bộ LĐ,TBXH xã Hương Nộn, huyện Tam Nông rà soát trường hợp NLĐ tự do
Bên cạnh đó, Sở LĐ,TB&XH đã phối hợp với BHXH tỉnh thẩm định hồ sơ đối với 20 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và 14 lao động ngừng việc; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm rà soát, tổng hợp danh sách NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chỉ đạo phòng LĐ,TB&XH cấp huyện thẩm định hồ sơ khoảng 300 NLĐ tự do và 300 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Phan Sỹ Liên - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: BHXH tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những chính sách này đến doanh nghiệp và NLĐ. Khối lượng công việc trong thời điểm này là rất lớn, trong khi vẫn phải bảo đảm thời gian vì thế toàn ngành sẽ nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tăng cường lực lượng, tạo thuận lợi nhất cho người sử dụng lao động và NLĐ, góp phần sớm đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống.
Với phương châm nhanh gọn, kịp thời, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, ngành BHXH đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các phòng chuyên môn và BHXH các huyện, thị xã tập trung hướng dẫn thủ tục và tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp đúng quy định. Hiện tại, BHXH tỉnh phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động rà soát để giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với 3.037 đơn vị, số lao động được giảm mức đóng là 119.318 lao động, tương ứng với số tiền hơn 34 tỷ đồng. Đã giải quyết hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho Công ty cổ phần Gemmy Tân Sơn (có 66 lao động) với số tiền hơn 300 triệu đồng.
Trong số 12 nhóm chính sách thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP thì nhóm các chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động chiếm số lượng khá lớn. Theo đó, người sử dụng lao động được vay vốn tại NHCSXH với lãi suất 0% và không phải bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất. Đây là biện pháp giúp doanh nghiệp được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi để trả lương cho người phải ngừng việc và hỗ trợ vốn tín dụng khi quay lại sản xuất kinh doanh.
Tính đến ngày 19/8/2021, NHCSXH tỉnh đã phê duyệt cho vay 1 doanh nghiệp (Công ty cổ phần xây dựng Phú Thọ) để trả lương ngừng việc cho 41 lượt người lao động, tương ứng với số tiền hơn 120 triệu đồng. Đồng thời, đang hướng dẫn thủ tục vay vốn cho 4 doanh nghiệp, 71 lượt người lao động vay vốn, số tiền giải ngân dự kiến hơn 450 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh khẳng định: Chúng tôi xác định việc triển khai chính sách hỗ trợ chủ sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất là nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới. Hiện NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành, thị phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để kịp thời tiếp cận, tuyên truyền, giải đáp các thắc mắc về điều kiện, đối tượng vay vốn, nắm bắt nhu cầu vay vốn để hỗ trợ các đơn vị về thủ tục nhằm nhanh chóng giải ngân nguồn vốn này.
Bà Phạm Thị Thu Hương - TUV, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết: Các thủ tục để triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã được đơn giản hóa rất nhiều. Trong đó giảm tối đa yêu cầu về thủ tục, rút ngắn thời gian phê duyệt (giảm 2/3 thủ tục và rút ngắn 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020).
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả gói hỗ trợ này cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, từ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của cộng đồng dân cư. Sự vào cuộc này sẽ giữ vai trò rất quan trọng đảm bảo việc thực thi chính sách công khai, dân chủ, minh bạch, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Cùng với đó là tính trách nhiệm, tính tự giác của NLĐ, người sử dụng lao động và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện - bà Phạm Thị Thu Hương nhấn mạnh.
 PV