Xã hội
Kết quả thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh giai đoạn 2013 – 2015 ở Quảng Ninh
11:04 AM 05/12/2016
(LĐXH) - Thực hiện Nghị quyết “về việc triển khai công tác xây dựng “xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm”, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh Quảng Ninh chú trọng tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo nên phong trào sâu rộng trên các địa bàn dân cư.
Tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội cho thanh thiếu nhi khối trường học năm 2016
Trong 03 năm, từ 2013-2015, Sở Lao động - TBXH đã phối hợp với các ngành có liên quan đề xuất, tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 02 Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 10 Quyết định, 05 Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo chương trình, chính sách phục vụ công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh trên địa bàn tỉnh. Với vai trò là cơ quan thường trực công tác xây dựng xã, phường lành mạnh, Sở Lao động-TBXH cũng chủ động xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh theo quy định tại Nghị quyết Liên tịch số 01/2005 và Nghị quyết Liên tịch số 01/2008, Kế hoạch Liên ngành số 526/KHLN/2013/LĐTB&XH-CA-VHTTDL-MTTQ ngày 08/4/2013 của liên ngành thành viên Nghị quyết liên tịch 01 cấp tỉnh.
Hằng năm, Sở Lao động - TBXH đã chủ trì, phối hợp với các ngành tổ chức chấm điểm, đánh giá theo 6 nội dung, 15 tiêu chí và phân loại mức chuyển hóa để đưa vào duy trì trong năm tiếp theo, tổng kết đánh giá và khen thưởng các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác này, đồng thời khảo sát và xây dựng mới đối với các địa bàn trọng điểm.
Kết quả, năm 2013 duy trì 117 xã, phường, thị trấn lành mạnh (trong đó: 04 xã, phường, thị trấn đạt mức xã phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; 95 xã, phường, thị trấn đạt mức chuyển hóa mạnh; 23 xã, phường, thị trấn đạt mức có chuyển hóa; xây dựng mới thêm 05 xã nâng tổng số lên 122 xã, phường thị trấn); Năm 2014, duy trì 122 xã, phường, thị trấn lành mạnh (trong đó 05 xã, phường, thị trấn đạt mức xã phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; 98 xã, phường, thị trấn đạt mức chuyển hóa mạnh; 19 xã, phường, thị trấn đạt mức có chuyển hóa); Năm 2015, duy trì 122 xã, phường, thị trấn xây dựng lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm hoặc làm giảm cơ bản tệ nạn ma túy mại dâm (trong đó 12 xã, phường, thị trấn đạt mức xã phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; 80 xã, phường, thị trấn đạt mức chuyển hóa mạnh; 30 xã, phường, thị trấn đạt mức có chuyển hóa). Năm 2016 đề nghị xây dựng mới 05 đơn vị nâng tổng số lên 127 xã, phường, thị trấn xây dựng lành mạnh.
Với kết quả nêu trên, công tác quản lý nhà nước về phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy đã được tăng cường, chủ động phòng ngừa trên địa bàn. Tệ nạn mại dâm được kiềm chế về tốc độ, phạm vi và quy mô; không để tình trạng gái mại dâm đứng đường, chào mời khách nơi công cộng, các tụ điểm ở một số địa bàn trọng điểm tại các huyện, thị xã, thành phố; hạn chế nguy cơ phát sinh tệ nạn ở những cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm không để phát sinh các điểm nóng. Công tác cai nghiện ma tuý tập trung đạt hiệu quả tốt góp phần đảm bảo an ninh trật tự của các địa phương và phù hợp nguyện vọng của gia đình có con em nghiện ma tuý.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn, hạn chế, đó là: Tệ nạn mại dâm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động trá hình tinh vi dưới nhiều hình thức, cơ động, khép kín, có nhiều thành phần tham gia và sử dụng các kỹ thuật thông tin hiện đại. Việc lập hồ sơ, đưa người đi cai nghiện ma tuý bắt buộc theo quy định Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ còn có vướng mắc. Đa số người nghiện ma tuý đều nằm trong diện sử dụng ma tuý lâu năm, tái nghiện, tù tha…đã cai nghiện tập trung nhiều lần, trình độ học vấn thấp, sức khoẻ yếu, nhiều người trong số họ nhiễm HIV/AIDS hoặc đã có tiền án, tiền sự về ma tuý, thường xuyên di biến động chỗ ở, không hợp tác với Công an và chính quyền địa phương trong việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn và cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng.
Theo ông đồng chí Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động-TBXH, trong giai đoạn 2016 - 2020, để làm tốt hơn nữa công tác này, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành thành viên Nghị quyết liên tịch số 01, tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch và giải pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội tỉnh. Tăng cường công tác phòng, chống mua bán người vì mục đích mại dâm; phòng chống HIV/AIDS cho đối tượng mại dâm, đối tượng điều trị nghiện ma túy tại các cơ sở tập trung và cộng đồng; hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn toàn tỉnh./.
 
PV