Xã hội
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Lễ phát động Tháng hành động trẻ em năm 2019
05:28 PM 25/05/2019
(LĐXH)- Sáng ngày 25/5/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em dự Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019.
Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; Chung tay hành động phòng, chống đuối nước cho trẻ em; Phòng chống bạo lực xâm hại tình dục đối với trẻ em” do Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Bộ Lao động – TBXH và UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức tại Trường THCS Trần Mai Ninh (thành phố Thanh Hóa)
Tham dự còn có Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Thị Hà; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An; Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan; các tổ chức quốc tế cùng hơn 1.300 em học sinh Trường THCS Trần Mai Ninh (thành phố Thanh Hóa) và học sinh một số trường trong tỉnh.
Các đại biểu dự Lễ phát động
Nghiêm khắc với trẻ bằng cả tấm lòng yêu thương
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, Tháng hành động là phương thức nhắc nhở chúng ta chú trọng hơn công tác chăm sóc trẻ em. Đất nước chúng ta có hơn 20 triệu trẻ em nhưng còn nhiều trẻ em ngay từ lúc sinh ra đã bị bỏ rơi do lỗi lầm của người lớn, rất nhiều trẻ em được nuôi không đủ dinh dưỡng, khi ốm đau không được chăm sóc tốt. Còn không ít trẻ em bị bạo hành, thậm chí bị bóc lột cả về sức lao động cả về tình dục; bị thương do tai nạn, thậm chí bị chết do tai nạn đuối nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ phát động
Năm nay là năm thứ 30 chúng ta ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em, là năm thứ 25 tổ chức Tháng hành động vì trẻ em. Luật Trẻ em quy định trẻ em có 25 quyền, chúng ta phải thực hiện đúng Luật trẻ em. Và phải làm cho tất cả mọi người trong xã hội, đầu tiên là trẻ em biết được quyền của mình. Khi đó, các tổ chức, cá nhân cần phải được ràng buộc trách nhiệm thực hiện về công tác đảng, chính quyền, tổ chức. Các hành vi vi phạm quyền trẻ em thì bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phó thủ tướng phát biểu và giao lưu với MC nhí
Phó Thủ tướng đề nghị có 2 điểm cần đặc biệt lưu ý. Thứ nhất, từ xưa cách giáo dục của người Việt Nam và Á đông thường có câu “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, tức là phải nghiêm khắc uốn nắm trẻ em ngay từ đầu, uốn nắm nghiêm thì mới thẳng. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, văn minh lên thì phải hiểu cho đúng thời đại: Chúng ta nghiêm khắc với trẻ em bằng tấm lòng, bằng tình yêu thương, chứ không phải bằng roi. Kể cả câu nói và thái độ làm cho trẻ em tổn thương đấy cũng là xâm hại.
Điểm thứ hai, vô cùng quan trọng đối với người Việt Nam đó là, chúng ta đừng coi trẻ em là đối tượng chỉ biết vâng lời, phải làm theo lời người lớn. Hãy coi trẻ em là đối tác của mình, cần được tôn trọng. Có rất nhiều phong trào, trong đó có năm đã phát động “Lắng nghe trẻ em nói”.... Vì thế, hãy để các em thể hiện, có quyền tham gia, bày tỏ chính kiến của mình. Giáo dục không phải là phổ biến kiến thức một chiều mà thầy và trò cùng nhau học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu ký lên quả cầu phát động Tháng hành động vì trẻ em
“Tôi chỉ mong rằng tất cả chúng ta phải thực sự coi trọng công tác chăm lo thế hệ mai sau của gia đình mình, của dòng tộc mình, quê hương mình, đất nước nước, thế giới mình một cách thiết thực. Đất nước pháp quyền thì đầu tiên, nhất định phải tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến tặng quà và học bổng cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách, chương trình vì trẻ em theo trách nhiệm của mình. Cộng đồng xã hội hãy góp sức một cách thiết thực nhất để giảm khoảng cách về cơ hội phát triển của trẻ em giữa các vùng miền, đặc biệt là nhóm trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số. Hãy để trẻ được sử dụng đầy đủ hơn các dịch vụ phúc lợi xã hội và được bảo vệ trước tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em (trong trường học, gia đình và cộng đồng).
Hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em
Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hàng năm nhằm thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Tuyên truyền phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân tổ chức thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em
“Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết và phê chuẩn Công ước mà không bảo lưu điều khoản nào. Việc đảm bảo quyền của trẻ em của Việt Nam ngày càng đầy đủ và chất lượng, được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, cả nước hiện nay vẫn còn khoảng 5,6 triệu trẻ em nghèo theo phương thức tính thiếu hụt các quyền của trẻ em. Việc triển khai thực hiện quyền trẻ em tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức. Mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và trên 1.500 trẻ em là nạn nhân của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, nhất là những tháng hè gần đây, đặc biệt là những ngày đầu hè này, nhiều nơi xảy ra những vụ đau lòng. Có những vụ có tới 6 em đuối nước. Ở một số địa phương còn xảy ra tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại một cách nghiêm trọng…” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ký lên quả cầu phát động Tháng hành động vì trẻ em
Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các bộ, ngành cơ quan, tổ chức hãy thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách, chương trình vì trẻ em theo trách nhiệm của mình. Cộng đồng xã hội hãy góp sức một cách thiết thực nhất để giảm khoảng cách về cơ hội phát triển của trẻ em giữa các vùng miền, đặc biệt là nhóm trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số. Hãy để các em được sử dụng đầy đủ hơn các dịch vụ phúc lợi xã hội và được bảo vệ trước tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục. Đảm bảo xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 3 cái nhất: Xử lý kịp thời nhất, xử lý nghiêm minh nhất, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng áo phao cho trẻ em tại Lễ phát động
Để giảm thiểu tình trạng đuối nước trẻ em thì môi trường sống của trẻ em, đặc biệt trong mùa hề cần phải được giám sát thường xuyên để bảo đảm an toàn nhất.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung in dấu tay lên quả cầu phát động Tháng hành động vì trẻ em
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của các cơ quan Trung ương, của chính quyền các địa phương, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, các tổ chức, mỗi gia đình, của toàn xã hội và cả chính các em sẽ mang đến cho trẻ em Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, từ biên giới, hải đảo, miền núi xa xôi đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn một môi trường sống an toàn, lành mạnh và ngày càng có thêm nhiều cơ hội để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Hy vọng trẻ em sẽ là những người trước tiên được hưởng những thành quả từ sự đổi thay hằng ngày của đất nước và thế giới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và học sinh Trường THCS Trần Mai Ninh cùng gửi thông điệp:
"Chung tay hành động phòng, chống đuối nước cho trẻ em"
1 đô la đầu tư cho trẻ em đem lại 9 đô la cho tăng trưởng kinh tế
Bà Rana Flowrs, Trưởng Đại diện Unicef tại Việt Nam, cho biết: Việt Nam là quốc gia luôn nỗ lực để đảm bảo tốt quyền trẻ em. Các nhà kinh tế học chỉ ra cho Chính phủ các quốc gia cần đầu tư để hiểu rõ rằng chỉ có thể xóa nghèo khi tập trung vào trẻ em, nghèo trẻ em, giải quyết những thiệt thòi, thiếu thốn mà trẻ em phải chịu đựng bằng cách đầu tư vào các dịch vụ xã hội. Đầu tư phát triển trẻ thơ – y tế, dinh dưỡng, tương tác giáo dục sớm và bảo vệ khỏi xâm hại. Tất cả những yếu tố trong một tổng thể giúp não bộ phát triển, giúp phát triển thể chất và giúp tăng trưởng kinh tế trong tương lai – 1USD đầu tư cho phát triển trẻ thơ đem lại 9 USD cho tăng trưởng kinh tế.
Bà Rana Flowrs, Trưởng Đại diện Unicef tại Việt Nam phát biểu tại Lễ phát động
Trưởng Đại diện Unicef tại Việt Nam khuyến nghị, trước hết Việt Nam cần phân bổ ngân sách cho dịch vụ xã hội có chất lượng và bảo trợ xã hội cho trẻ em, giáo dục mầm non và chăm sóc trẻ em có chất lượng; Các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội rõ ràng được phân bổ ngân sách sẽ đảm bảo được việc giúp phát hiện trẻ em có nguy cơ, can thiệp, phòng ngừa xâm hại và bị bóc lột, giải quyết những nguy cơ khác đối với trẻ em, như đuối nước…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng phát biểu hưởng ứng Lễ phát động
Phát biểu hưởng ứng Lễ phát động, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Thanh Hóa hiện có khoảng 890.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25% dân số toàn tỉnh. Năm 2018, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn 4,8%, giảm 0,6% so với năm 2016; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT; tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học đúng tuổi đạt 99%, học sinh hoàn thành cấp THCS đạt 98%; 100% trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau như trợ cấp, hỗ trợ theo chính sách, cấp học bổng, thăm hỏi tặng quà, cấp bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ mua sách vở, đồ dùng học tập; toàn tỉnh có 569/635 xã, phường, thị trấn được công nhận là xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em…
Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Thị Hà trao học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Lao động – TBXH, tỉnh Thanh Hóa cùng một số đơn vị, tổ chức đã trao 500 mũ bảo hiểm, 300 áo phao và 70 suất học bổng cho học sinh tỉnh Thanh Hóa (60 suất dành cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, 10 suất cho trẻ em bị tai nạn giao thông).

Chí Tâm