Xã hội
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn thăm, tặng quà gia đình chính sách tại huyện Mê Linh
06:26 PM 22/07/2019
(LĐXH) Nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), sáng ngày 22/7, Đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến thăm, tặng quà hai gia đình thương, bệnh binh là điển hình vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế của huyện Mê Linh.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn thăm, tặng quà thương binh Trần Ngọc Cân
Đó là gia đình thương binh hạng 3/4 Trần Ngọc Cân (ở tổ 1, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh) với mô hình trồng và chăm sóc bưởi Diễn mỗi năm cho thu nhập 70 triệu đồng và gia đình bệnh binh hạng 2/3 Hà Thanh Thuần (ở tổ 6, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh) với mô hình mở trường mầm non tư thục từ năm 2010, đang duy trì 13 lớp học, 350 học sinh và 32 giáo viên, nhân viên.
Ân cần thăm hỏi, trực tiếp tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế của từng gia đình, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đánh giá cao những đóng góp của các thương, bệnh binh đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và rất vui mừng khi thấy hai gia đình đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, đời sống ngày càng ổn định, đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương.
Thay mặt lãnh đạo thành phố tặng quà cho hai gia đình thương, bệnh binh, đồng chí Đào Đức Toàn tin tưởng, thời gian tới, thương binh Trần Ngọc Cân và bệnh binh Hà Thanh Thuần tiếp tục cùng gia đình nỗ lực phát triển kinh tế, tích cực hưởng ứng các phong trào, hoạt động của địa phương, là tấm gương sáng kể cả trong thời chiến cũng như thời bình.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn chúc hai gia đình luôn mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, tiếp tục là những điển hình về phát triển kinh tế tại địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
Bày tỏ sự xúc động khi được lãnh đạo thành phố đến thăm hỏi, động viên, thương binh Trần Ngọc Cân và bệnh binh Hà Thanh Thuần khẳng định, sẽ luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia đóng góp công sức vào hoạt động chung của huyện Mê Linh, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu, mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn thăm, tặng quà bệnh binh Hà Thanh Thuần
Trong những năm qua, cùng với cả nước và thành phố Hà Nội, huyện Mê Linh tích cực triển khai nhiều hoạt động tri ân những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Toàn huyện Mê Linh hiện có trên 5.600 đối tượng người có công (trong đó có 334 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2.705 gia đình thân nhân liệt sỹ, 538 bệnh binh, 826 người nhiễm chất độc hoá học, 235 người địch bắt tù đày). Huyện coi việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đúng quy định; đặc biệt trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hàng năm, ngày lễ lớn, Tết cổ truyền của dân tộc.
Kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2018), huyện Mê Linh đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa; triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, chu đáo để tri ân các đối tượng, gia đình có công với cách mạng như vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức tốt công tác điều dưỡng, khám chữa bệnh cho người có công; chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức chỉnh trang, thắp nến tri ân tại công trình nghĩa trang liệt sỹ của địa phương; tổ chức đoàn lãnh đạo Huyện uỷ - HĐND -UBND huyện đi viếng nghĩa trang liệt sỹ tại các xã, thị trấn và trực tiếp thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng người có công, gia đình liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật, mắc bệnh hiểm nghèo; tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công bằng những việc làm thiết thực thông qua: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền truyền thống yêu nước và đạo nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và những người có công với nước; biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động thiết thực góp phần thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng./.
Hồng Phượng