Lao động
Phú Yên ưu tiên phát triển việc làm khu vực miền núi
11:04 AM 04/12/2017
(LĐXH) - Thực hiện Nghị Quyết số 41 của HĐND tỉnh về Chương trình việc làm tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp cùng với các ngành liên quan, xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch giải quyết việc làm cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện, phấn đấu đạt chỉ tiêu tạo việc làm mới trong năm 2018 là 23.500 lao động, trong đó tập trung vào khu vực miền núi, người dân tộc thiểu số.

Phú Yên là tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ, trong đó vùng miền núi chiếm 69% diện tích toàn tỉnh. Vùng miền núi dân tộc bao gồm ba huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh; 4 huyện có xã miền núi là Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu. Đây là địa bàn cư trú của 31 dân tộc anh em với dân số trên 230 nghìn người, chiếm 26,6% dân số toàn tỉnh. Việc thực hiện phân định miền núi, vùng cao thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để thực hiện các chính sách dân tộc khác như: chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách cử tuyển; chính sách thu hút giáo viên, bác sỹ lên công tác ở vùng miền núi…, nhờ vậy đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực này là 35%; thu nhập bình quân đạt 18 đến 26 triệu đồng/người/năm, riêng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân từ 12 đến 14 triệu đồng/người/năm.

Lãnh đạo tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra dự án vay vốn giải quyết việc làm

(Ảnh: baophuyen.com.vn)

Trong năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 06 hội nghị truyên truyền, giới thiệu việc làm tại các xã, cụm xã có người đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 huyện miền núi. Theo đó, Phòng Việc làm đã tổ chức hướng dẫn người dân tộc thiểu số, miền núi, liên hệ với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội để lập các dự án cho vay giải quyết việc làm tại địa phương, mức cho vay tín chấp tối đa là 50 triệu đồng/lao động, với lãi suất thấp hơn ở ngân hàng thương mại. Kết quả có 14 lao động người dân tộc thiểu số và 373 lao động người miền núi, được vay vốn tạo việc làm tại địa phương.

Đối với người dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề theo chi phí thực tế, tối đa theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quyết định quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; Học ngoại ngữ, tối đa 3 triệu đồng/người/khoá học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng khoá học và thời gian học thực tế); Bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, mức 530.000 đồng/người/khoá; Tiền ăn trong thời gian đào tạo: mức 40.000 đồng/người/ngày; Chi phí đi lại (01 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi cư trú đến nơi học đối với các học viên ở cách địa điểm học từ 15 km trở lên hoặc từ 10 km trở lên đối với địa bàn các xã đặc biệt khó khăn theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng tại thời điểm thanh toán hoặc theo mức khoán tối đa 5.000 đồng/km đối với vùng miền núi và 3.000 đồng/km đối với vùng đồng bằng nhưng tối đa 400.000 đồng/lao động; Chi phí làm thủ tục đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài gồm: hộ chiếu, visa, lý lịch tư pháp theo mức quy định hiện hành của Nhà nước; khám sức khỏe hỗ trợ tối đa 750.000 đồng/người; Chính sách cho vay: 100% chi phí để tham gia xuất khẩu lao động. Tính đến thời điểm này, có 3 người dân tộc thiểu số tham gia đi làm việc ở nước ngoài.

Sinh viên tìm kiếm thông tin xuất khẩu lao động tại Hội chợ việc làm (Ảnh: baophuyen.com.vn)

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giới thiệu một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động như công ty TNHH Olympus Việt Nam, công ty TNHH Điện tử Foster để người dân tộc thiểu số, miền núi tiếp cận tìm kiếm việc làm. Kết quả có trên 20 lao động là người dân tộc thiểu số, và trên 100 lao động là người miền núi đang làm việc cho các công ty này. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng đã giới thiệu cho 130 lao động dân tộc thiểu số và 760 lao động miền núi có việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh.

Thực hiện Nghị Quyết số 41của HĐND tỉnh về Chương trình việc làm tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp cùng với các ngành liên quan, xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch giải quyết việc làm cho các huyện. thị xã, thành phố thực hiện, phấn đấu đạt chỉ tiêu tạo việc làm mới 23.500 lao động, trong đó tập trung khu vực miền núi, người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung triển khai chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn để mọi người dân biết thực hiện, phấn đấu đạt chỉ tiêu 400 lao động trong năm 2018, đặc biệt chú trọng đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách, lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, miền núi.

         

 Trần Huyền