Giáo dục - Nghề nghiệp
Phát triển nguồn nhân lực gắn với cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4
09:11 AM 12/12/2022
(LĐXH) - Phát triển nguồn nhân lục giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030 ở Việt Nam đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh... Theo đó, cần phát triển đồng bộ về “tâm lực - trí lực - kỹ lực - thể lực - cuộc sống hạnh phúc”, tạo bứt phá về năng suất lao động, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh - bền vững trong giai đoạn mới…
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước là vấn đề sớm được đặt ra trong định hướng của Đảng và tổ chức triển khai của Chính phủ. Kết quả thực hiện thời gian qua đã đóng góp những thành tựu tích cực cho công cuộc phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường lao động của Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, tỷ lệ thất nghiệp trong những năm gần đây vẫn có xu hướng tăng, nhưng các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động. Nguyên nhân thì có nhiều, một phần do dịch bệnh Covid – 19 kéo dài, hoặc một phần do lao động Việt Nam chỉ mới đáp ứng về lượng, chứ chưa đáp ứng về chất… trong khi đó, khi xây hoạch định chính sách phát triển kinh tế các cấp có thẩm quyền thường không song hành với chiến lược phát triển nhân lực. Đây là một hạn chế lớn, ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực ở nước ta. Hệ quả của cách làm này cho thấy, dù chi tiêu cho giáo dục chiếm tỷ trọng lớn của GDP nhưng nguồn nhân lực vẫn không có bước đột phá, các chiến lược phát triển kinh tế không có đủ nguồn nhân lực cần thiết để thực hiện.
Hệ thống đào tạo còn tồn tại một số bất cập; Đội ngũ giảng viên chưa tương xứng với kỳ vọng; Cơ sở vật chất ở nhiều cơ sở đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế; Phương thức đào tạo vẫn theo kiểu cũ, lối mòn, thiếu sự gắn kết với thực tiễn; Cơ sở đào tạo vẫn tập trung tại những  thành phố lớn; Tư duy của người học vẫn hướng về cao đẳng, đại học mà chưa chú trọng vào kỹ năng nghề…
Với việc dựa trên 3 lĩnh vực chính: Kỹ thuật số, công nghệ sinh học; Robot thế hệ mới... cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất, tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Các nhà kinh tế và khoa học quốc tế cảnh báo, trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của Robot, số lượng nhân viên cần thiết sẽ chỉ còn 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp.
Cũng có ý kiến cho rằng, đào tạo ở Việt Nam hiện mới chỉ dừng lại ở phục vụ “cầu” còn “cung” thì vẫn là bài toán chưa rõ nghiệm số. Ngành nào là ngành mũi nhọn, cần ưu  cũng chưa xác định một cách cụ thể, trong khi thế mạnh của chúng ta là nông nghiệp nhưng các ngành nghề ché biến, hay sản xuất tại khu vực này chưa thu hút được nhiều lao động.  Bởi vậy, sự phát triển của cuộc cách mạng lần thứ 4 đang đòi hỏi cấp bách những nguồn nhân lực mới, ở tầm vĩ mô cũng như trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp... đòi hỏi caanfcos những  chính sách đồng bộ, nhất quán hướng tới mục tiêu: “Phát triển nguồn nhâ lực gắn với thị trường lao động và việc làm bền vững…”
Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Thời điểm hiện tại cũng như định hướng phát triển trong giai đoạn tới, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cần được xem xét, đánh giá toàn diện với nhiều yêu cầu và thách thức mới đặt ra, cụ thể là:
- Cần chủ động đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động. Bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thực tiễn để đào tạo. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao. Hệ thống đào tạo cần sớm đổi mới nội dung và chương trình nhằm đáp ứng trước những thay đổi từ thực tiễn. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một số chuyên ngành và kỹ năng, kiến thức mới cần được các trường nghiên cứu, bổ sung như: Cơ điện tử; công nghệ thông tin, trong đó đặc biệt chú trọng lĩnh vực khoa học dữ liệu, an ninh, an toàn thông tin...
Đặc biệt, đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy. Đội ngũ giáo viên cần trnag bị những năng lực mới, trong đó đề cao sự sáng tạo và dựa trên cơ sở chuẩn hóa, thông qua các hoạt động đào tạo, tự bồi dưỡng kiến thức chuyên môn… Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học nhằm, gắn đề tài với hoạt động chuyển giao công nghệ tại cơ sở, chú trọng các lĩnh vực mô phỏng, tương tác…
- Đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực trong tương lai. Đây là nội dung cần được quan tâm, bởi cuộc CMCN 4.0 sẽ có tác động rất lớn tới cơ cấu của nền kinh tế, khả năng suy giảm, thậm chí mất đi của nhiều ngành nghề cũng như sự xuất hiện mới của những ngành nghề trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra, điều này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm.
- Kết hợp 3 “nhà”: Nhà trường – Nhà khoa học – Nhà DN trong đào tạo nhân lực phục vụ CMCN 4.0. Hiện tại, chủ yếu là phía DN có nhu cầu gắn kết với nhà trường - nhà khoa học, còn nhà trường, nhất là các trường công lập, chỉ tập trung công tác đào tạo chứ chưa chủ động hợp tác với DN. Các trường đại học ở Việt Nam cần học tập, kinh nghiệm đào tạo của các trường đại học ở nước ngoài, trong việc xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo gắn rất chặt với DN. Nhờ những trung tâm đó, sinh viên được học tập ở môi trường rất thật; các DN liên kết với các trường để tìm nguồn nhân lực tương lai.
Cần rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động, từng vùng và địa phương. Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, thực hiện tốt công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, xây dựng cơ chế, chính sách phân luồng giáo dục, gắn với đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.
Đổi mới nội dung, phương thức đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; Nâng cao chất lượng đào tạo một số trường đại học, một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong ASEAN và thế giới. 
- Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thông qua nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Các loại hình giáo dục sau phổ thông trung học cần được đa dạng hóa, trong đó có các chương trình đại học không bằng cấp. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm giúp các sinh viên có cơ hội vừa học vừa làm, trải nghiệm môi trường thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy cần được đổi mới theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; bên cạnh các kiến thức trong sách vở, người học cần được thực hành nhiều hơn, cũng như cần được trang bị thêm các kỹ năng mềm nhằm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Định hướng giáo dục theo nhu cầu nhằm tạo ra sự cân bằng trong đào tạo và sử dụng nhân lực ở các ngành nghề, vùng, miền và các thành phần kinh tế, tránh lãng phí không cần thiết khi đào tạo lao động có bằng cấp mà không được sử dụng hay sử dụng sai so với nội dung đào tạo. Hệ thống giáo dục quốc dân cần được hoàn thiện theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đầu tư cho giáo dục đào tạo cần được tăng cường bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước cần tăng lên, đồng thời huy động nhiều hơn, tốt hơn sức dân thông qua đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập.
- Cơ chế quản lý khoa học và công nghệ cần được đổi mới, nhất là cơ chế tài chính, nhằm giải phóng năng lực sáng tạo của nhà khoa học, đưa nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống. Liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp cần được tăng cường. Phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.
- Nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe cho người dân, đảm bảo gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội.
Hữu Bắc