Xã hội
Phát triển kinh tế vùng thúc đẩy giảm nghèo ở Lai Châu
11:13 AM 15/11/2018
(LĐXH) - Xác định phát triển kinh tế vùng đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh, môi trường sinh thái, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và ổn định, thời gian qua, UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt các quy hoạch: tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, đến năm 2020 tỉnh; phát triển kinh tế vùng kinh tế nông – lâm sinh thái sông Đà tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, hàng năm tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng vùng; đồng thời tập trung triển khai các quy định, chính sách mới ban hành về phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; rà soát sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư không phù hợp. Tập trung các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, quan hệ hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống của nhân dân; Các nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng cơ bản đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế và cá nhân.

Phát triển vùng trồng cây mắc ca

Nhờ triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển kinh tế vùng, Lai Châu đã từng bước phát huy lợi thế vùng, thu hút các nguồn lực đầu tư giúp nền kinh tế có những chuyển biến rõ rệt. Vùng kinh tế động lực quốc lộ 32, 4D đã tập trung khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương. Theo đó, sản xuất nông nghiệp, tập trung vào phát triển cây lương thực có hạt, từng bước chuyển đổi diện tích đất có hiệu quả thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như mắcca, quế, sơn tra; hình thành các cánh đồng mẫu lớn, sản xuất tập trung. Nền công nghiệp tập trung vào sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản với các sản phẩm như đá xây dựng, gạch xây các loại, chè khô các loại, nước máy sản xuất. Điểm nổi bật trong phát triển thương mại đó là hệ thống chợ, siêu thị được mở rộng, phát huy hiệu quả. Hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa cũng phát triển mạnh. Đối với vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái sông Đà (gồm 2 huyện Nậm Nhùn, Mường Tè và các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ), sản xuất nông, lâm nghiệp cũng có bước phát triển vươt bậc. Riêng vùng kinh tế cao nguyên Sìn Hồ (gồm 9 xã vùng cao huyện Sìn Hồ), là vùng đất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, trong thời gian qua tỉnh đã tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư phát triển cây dược liệu

Hạ tầng phát triển sẽ tạo điều kiện thu hút du lịch, góp phần đảm bảo kinh tế - xã hội ở địa phương

Với những hoạch định chiến lược phát triển lâu dài, định hướng tổ chức không gian kinh tế - xã hội các vùng kinh tế trong tỉnh đã bảo đảm phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng thế mạnh của mỗi vùng. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các chính sách để thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, gắn với phát triển toàn diện văn hóa xã hội; đào tạo nghề và xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực… đã đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, trung bình giảm 4,95%/năm, vượt so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2020 đã đề ra, 2 huyện Than Uyên, Tân Uyên đã được Chính phủ công nhận thoát nghèo.

Trần Huyền