Lao động
Phát triển kinh tế hiệu quả nhờ xuất khẩu lao động
02:19 PM 01/12/2017
(LĐXH)-Xuất khẩu lao động để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo từ lâu đã không còn mấy xa lạ với người nông dân huyện Ba Vì (Hà Nội) nói chung và nông dân xã Châu Sơn nói riêng. Đi XKLĐ không chỉ giúp nhiều hộ trong xã Châu Sơn có điều kiện kinh tế ổn định cuộc sống, mà còn được tiếp cận với lối sống hiện đại.
Chị Phùng Thị Hải Yến (ngồi giữa), xã Châu Sơn bên ngôi nhà kiên cố của gia đình. 
“Nhờ XKLĐ, gia đình tôi đã có cơ ngơi đàng hoàng và cuộc sống ổn định như ngày hôm nay…” – bà Phùng Thị Hải Yến  tâm sự với chúng tôi như vậy. Tại thôn Hạ Sơn, xã Châu Sơn Hơn cách đây gần 20 năm, cuộc sống của gia đình bà Yến cũng như nhiều hộ trong thôn Hạ Sơn rất vất vả, người dân chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng nên phần lớn các gia đình đều rơi vào tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Năm 2000, học tập những người trong thôn, hai vợ chồng chị đã đi vay những người thân được 35 triệu đồng để lo thủ tục sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc. Sang đó, chị làm giúp việc cho một gia đình khá giả. Chủ nhà trả công cho chị mỗi tháng 14 triệu đồng. Nhờ đó, chị đã có tiền gửi về nhà cho chồng chăm sóc và nuôi dạy 3 đứa con nhỏ ăn học.  Đến năm 2006, cuộc sống gia đình đã cải thiện được nhiều, chị về hẳn. Bây giờ, vợ chồng anh chị đã có cơ ngơi khang trang và cuộc sống ổn định.
Đi XKLĐ không chỉ giúp nhiều hộ trong xã Châu Sơn có điều kiện kinh tế ổn định cuộc sống, mà còn được tiếp cận với lối sống hiện đại. “Các con nhà ông chủ thường gọi tôi bằng dì. Những người ngang tuổi gọi tôi bằng tên với thái độ tôn trọng. Khi nhờ tôi làm cho việc gì đó, bao giờ họ cũng nói “cảm ơn” – bà Yến kể. Và dù đã không làm việc cho họ 10 năm, nhưng hai bên vẫn giữ liên lạc, gọi điện thăm hỏi.
Chị Đinh Thị Luân - hàng xóm cạnh nhà bà Yến cũng đã hai lần sang Đài Loan làm giúp việc gia đình trong 6 năm. “Gần hết một năm đầu tiên, tôi làm việc trả nợ, 5 năm sau tôi tích cóp tiền xây được ngôi nhà hai tầng và có vốn buôn bán” - chị Luân chia sẻ và cho biết rất muốn đi sang Đài Loan lần nữa, nhưng phải ở nhà để quản lý các con đang tuổi lớn.
Chị Luân cũng cho biết, mình học được cách sống tuân thủ pháp luật của người Đài Loan, chẳng hạn tham gia giao thông ngoài đường không bóp còi xe inh ỏi, không lấn làn đường, luôn nói lời “cảm ơn” khi được giúp đỡ và không nhận tiền thừa nếu người bán hàng trả nhầm.
Theo chị Luân, do làm việc chăm chỉ và được lòng chủ nhà, nhiều người Châu Sơn khi hết hạn hợp đồng lao động về nước, lại được chủ mua vé máy bay mời sang làm việc tiếp./.
Minh Hằng