Xã hội
Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân mắc bệnh lao tại cộng đồng
05:52 PM 07/07/2020
(LĐXH) –Ngày 7/7/2020, tại thành phố Hoà Bình, Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương triển khai dự án trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân lao/lao kháng thuốc tại cộng đồng giai đoạn 2018-2020. Dự án lần đầu tiên đưa nghề công tác xã hội vào phòng chống lao được triển khai thí điểm tại 02 tỉnh Hòa Bình và Khánh Hòa.
Tham dự, có TS.Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH); TS.Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TBXH tỉnh Hoà Bình; Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Hòa Bình; Phòng Bảo trợ xã hộ (thuộc Sở LĐXH); Trung tâm Công tác xã hội; đại diện Phòng LĐ-TBXH cấp huyện; đại diện Trung tâm Y tế câp huyện cùng đông đảo nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội...
Dự án “Quỹ Toàn cầu phòng chống lao giai đoạn 2018 – 2020” do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét tài trợ được triển khai với mục đích hỗ trợ phát triển hệ thống trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân lao/lao kháng thuốc; gia tăng số lượng các nhóm dân cư yếu thế được phòng ngừa, sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm bệnh nhân lao tại cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng. Cùng với đó, lồng ghép công tác xã hội đối với lĩnh vực lao phổi bảo đảm bảo các dịch vụ tốt nhất với bệnh nhân và gia đình như tư vấn, tham vấn, chăm sóc, kết nối tạo việc làm và các dịch vụ xã hội khác, tiến tới thực hiện lồng ghép nhóm đối tượng này vào các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội và an sinh xã hội của Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS.Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh, các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm công tác xã hội là những điểm nóng có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh lao. Nghề công tác xã hội đã và đang có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của cộng đồng, giải quyết những vấn đề về dịch bệnh, trong đó có phòng chống lao. Mục tiêu của dự án là cung cấp các dịch vụ chăm sóc xã hội cho bệnh nhân lao kháng thuốc và bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn; phát triển các dịch vụ phòng ngừa, sàng lọc, phát hiện và can thiệp sớm đối với các nhóm đối tượng yếu thế tại cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng; góp phần đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội trong lĩnh vực lao phổi tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc toàn diện của người dân, thông qua tăng cường hợp tác và điều phối liên ngành, cải thiện hệ thống chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thiết lập mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội kết nối đối với các đối tượng tại cộng đồng và trong cơ sở trợ giúp xã hội.   
    TS.Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội phát biểu tại Hội nghị
TS.Trần Ngọc Diễn, Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội chia sẻ: Dự án là cơ hội để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ mạng lưới, cộng tác viên công tác xã hội, đồng thời cung ứng dịch vụ tư vấn khám phát hiện bệnh cho đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân lao và hỗ trợ tuân thủ điều trị. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tư vấn và kết nối dịch vụ cho các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân lao kháng thuốc. Cung cấp dịch vụ tư vấn, tham vấn, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị lao tiềm ấn thường quy cho nhóm dễ bị tổn thương và nhóm mới nhiễm bệnh. Mở rộng tiếp cận đến dịch vụ chấn đoán và điều trị lao kháng đa thuốc, lao siêu kháng thuốc, sử dụng tối ưu các công cụ, thuốc và phác đồ điều trị mới, hỗ trợ bệnh nhân tối đa… là những mục tiêu cụ thể mà Dự án hướng tới.    
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Bà Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình cho biết: Hòa Bình là một trong hai địa phương được chọn là đơn vị triển khai thực hiện thí điểm mô hình trợ giúp xã hội đối với bệnh nhân lao phổi giai đoạn 2018 – 2020. Theo đó, Sở LĐ - TBXH, Sở Y tế đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong việc tổ chức chăm sóc sức khỏe cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trung tâm Công tác xã hội Hòa Bình và Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội (nay đối tên thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng bảo trợ xã hội như: thường xuyên tư vấn, giám sát sức khỏe, công tác khám, điều trị cho bệnh nhân là đối tượng khuyết tật thần kinh tâm thần đang được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm và ngoài cộng đồng. Phối hợp nhiều đợt tổ chức tư vẩn sức khỏe khám, cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình chính sách người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em ngoài cộng đồng. Đây là cơ sở, là điều kiện thuận lợi để Trung tâm Công tác xã hội Hòa Bình và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình phối hợp trong việc thực hiện thí điểm mô hình trợ giúp xã hội cho bệnh nhân lao phổi giai đoạn 2018 - 2020.
Bà Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ - TBXH  tỉnh Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Trong quá trình triển khai dự án, tỉnh đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật từ phía Cục Bảo trợ xã hội và các chuyên gia trong lĩnh vực này. Xác định mục tiêu của Dự án phát triển hệ thống trợ giúp xã hội có tác động rất quan trọng đến việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh Hòa Bình, Ban quản lý cùng đội ngũ cộng tác viên, cán bộ cơ sở đã triển khai tốt các hoạt động, từ công tác rà soát, quản lý đối tượng, quản lý ca cũng như các hoạt động kết nối trợ giúp, tư vấn, chuyển tuyến cho người đi khám và điều trị lao. Mặt khác, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đã thực hiện tốt các hoạt động cung cấp các trợ giúp xã hội theo lĩnh vực ngành phụ trách như chăm sóc dinh dưỡng, rà soát mua thẻ BHYT, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ sinh kế cho bệnh nhân lao... Đây cũng được coi là cách tiếp cận mới trong quá trình trợ giúp xã hội đối với các bệnh nhân nói chung và toàn thể xã hội nói riêng, bà Ngọc nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội ngh
Trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ địa phương triển khai một số nội dung trọng tâm, điển hình như: Hỗ trợ điều phối hoạt động tại tuyến tỉnh, huyện; hỗ trợ tư vấn, kết nối chuyển tuyến; hỗ trợ quản lý ca; tư vấn bệnh nhân tuân thủ điều trị; Cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội như chăm sóc dinh dưỡng, mua thẻ BHYT và đào tạo nghề nghiệp, tìm việc làm.; Hỗ trợ khám, sàng lọc, xác định và phân loại nhóm dễ tổn thương với bệnh lao và nguy cơ mắc lao tại cảc cơ sở trợ giúp xã hội; hỗ trợ chuyển gửi bệnh nhân; mua sắm trang thiết bị… Đặc biệt là công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề lao/lao kháng thuốc./.
Hà Giang