Xã hội
Phát triển công tác xã hội tại các cơ sở y tế theo hướng chuyên nghiệp
01:37 PM 02/12/2022
(LĐXH) - Qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, công tác xã hội trong y tế tại Việt Nam từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa ở các khía cạnh về hệ thống văn bản pháp luật; nguồn nhân lực; đào tạo, tập huấn và kết quả triển khai hoạt động về công tác xã hội trong y tế. Hoạt động công tác xã hội trở thành một bộ phận không thể thiếu tại các cơ sở y tế, đặc biệt trong bối cảnh các dịch bệnh mới phát sinh như đại dịch COVID-19.

Theo kết quả khảo sát của Vụ Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Y tế công cộng và tổ chức Unicef năm 2021 cho thấy, 360/676 bệnh viện tham gia nghiên cứu có xây dựng kế hoạch chiến lược triển khai các hoạt động CTXH chiếm tỷ lệ 53,25%. Tỷ lệ này cao nhất ở các bệnh viện tuyến Trung ương (90,32%), thấp hơn ở các bệnh viện tuyến tỉnh (76,07%) và thấp nhất ở các bệnh viện tuyến quận huyện (32,6%). Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy 234/676 bệnh viện tham gia nghiên cứu có so sánh báo cáo tổng kết cuối năm với kế hoạch chiến lược triển khai các hoạt động CTXH chiếm tỷ lệ 34,62%. Tỷ lệ này cao nhất ở các bệnh viện tuyến Trung ương (51,61%), thấp hơn ở các bệnh viện tuyến tỉnh (43,21%) và thấp nhất ở các bệnh viện tuyến quận/huyện (26,58%). Các tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ xây dựng kế hoạch triển khai, cho thấy có những bệnh viện có xây dựng kế hoạch nhưng không so sánh với báo cáo tổng kết cuối năm của bệnh viện.

Nhân sự CTXH có vai trò rất lớn trong lĩnh vực y tế

Hiện nay, tất cả các bệnh viện thuộc các tuyến (tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và tuyến quận/huyện) triển khai các hoạt động CTXH  dựa trên Thông tư 43 của Bộ Y tế quy định về hình thức và nhiệm vụ của CTXH trong bệnh viện. Tuy nhiên, 03 hoạt động được các bệnh viện thực hiện nhiều nhất là: Hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về CTXH cho người bệnh và người nhà người bệnh; Thông tin, truyền thông, phố biến, giáo dục pháp luật và vận động tiếp nhận tài trợ. Trên thực tế, hoạt động CTXH tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh có khó khăn khi đến khám, chữa bệnh như: Chỉ dẫn, đón tiếp, hướng dẫn hỗ trợ các thủ tục hành chính. Các hoạt động hỗ trợ kinh phí cho người bệnh chủ yếu tập trung ở bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh; Chỉ có một số ít các bệnh viện tuyến trung ương có thực hiện hỗ trợ về tâm lý, can thiệp CTXH cho người bệnh. So với bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến quận/huyện, bệnh viện tuyến trung ương có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai các hoạt động CTXH trong bệnh viện theo Thông tư 43 của Bộ Y tế. Bệnh viện ở các vùng nông thôn, miền núi gặp nhiều khó khăn hơn trong việc triển khai các hoạt động CTXH trong bệnh viện so với các bệnh viện ở các vùng thành thị.

Nhiều bệnh viện thường xuyên tổ chức toạ đàm, giao lưu với sinh viên về CTXH trong công tác chăm sóc y tế

Thời gian tới đây, để CTXH trong y tế trở thành một hoạt động chuyên nghiệp, việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý trong tổ chức triển khai thực hiện cần được quan tâm theo hướng sớm ban hành Luật CTXH, trong đó quy định chuẩn năng lực, chế độ khen thưởng và kỷ luật đối với nhân viên CTXH; Có văn bản cụ thể chế độ đãi ngộ, phụ cấp nghề/phụ cấp độc hại đối với người làm CTXH, dành cho nhân viên y tế làm kiêm nhiệm CTXH, cộng tác viên thuộc mạng lưới CTXH tại cơ sở khám, chữa bệnh; Ban hành chức danh, vị trí việc làm CTXH tại cơ sở khám, chữa bệnh cho người hành nghề, có mã nghề, ngạch, bậc thang bảng lương cũng như kế hoạch triển khai cụ thể; Ban hành văn bản quy định chỉ tiêu biên chế cho nhân viên CTXH chuyên trách tại cơ sở khám, chữa bệnh; Đưa tiêu chí CTXH vào Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện; Ban hành những mô hình dịch vụ CTXH trong bệnh viện có thu phí; Bổ sung công việc của nhân viên CTXH vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh; Cần ban hành quy định bắt buộc số lượng nhân viên CTXH trong phòng/tổ CTXH tại mỗi bệnh viện tương ứng hạng bệnh viện. Trong đó, quy định số lượng tối thiểu nhân viên CTXH có trình độ chuyên môn về CTXH trong bệnh viện.

Bên cạnh đó, phải nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực CTXH trong ngành y tế, tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ CTXH, mở các khóa đào tạo chuyên ngành, kỹ năng chuyên sâu để nâng cao trình độ chuyên môn cho người làm CTXH. Đồng thời, tại các cơ sở khám, chữa bệnh cần ban hành kế hoạch về tầm nhìn và chiến lược phát triển hoạt động CTXH theo từng giai đoạn, có các hoạt động hướng tới sự gắn kết giữa cơ sở y tế với mạng lưới CTXH tại cộng đồng, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa nhằm tăng tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số được tư vấn, hỗ trợ về CTXH…

Từ khóa: CTXH nghề CTXH