Xã hội
Phát triển các mô hình trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
02:09 PM 27/11/2020
(LĐXH) - Nhằm tăng cường, thúc đẩy các mô hình trợ giúp người khuyết tật, ngày 27/11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã phối hợp với Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội và Tổ chức Habitat tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển các mô hình trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng”.
Bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Tham dự, có Bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; Bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; Bà Dương Thị Vân – Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội người khuyết tật TP. Hà Nội cùng đại diện các bộ, ban, ngành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Nội..., đại diện các tổ chức của và vì người khuyết tật.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu NKT từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số. Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến công tác NKT, thông qua việc ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách pháp luật chăm lo, bảo đảm quyền của NKT. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với NKT được nâng lên, NKT ngày càng tự tin hòa nhập vào đời sống xã hội. Các cơ quan nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp NKT, chăm lo cuộc sống cho đối tượng, tạo cơ hội bình đẳng để NKT phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt, ngày 01/11/2019,  Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 39 -CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT, qua đó tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các chính sách trợ giúp NKT trên các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, tín dụng, bảo trợ xã hội, hoạt động văn hóa, thể thao, trợ giúp pháp lý... để NKT phát huy năng lực, vươn lên sống độc lập, hòa nhập với xã hội.
Bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đã giới thiệu các quy định, chính sách liên quan đến NKT
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với NKT; Đời sống của một bộ phận không nhỏ NKT còn nhiều khó khăn, nhất là NKT đặc biệt nặng, mức trợ cấp xã hội thấp; Vẫn còn NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm... Mức trợ cấp xã hội cho NKT chậm được điều chỉnh, số NKT được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội còn ít, cơ sở vật chất thiếu thốn; Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác NKT là hoạt động nhân đạo, từ thiện, vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT...
Tham luận của các đại biểu
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Phạm Thị Hải Hà đề nghị, các đại biểu tham dự Hội thảo cần tập trung thảo luận, chia sẻ về các mô hình trợ giúp cho NKT cũng như các rào cản hiện nay trong việc hỗ trợ sinh kế cho NKT, giúp NKT tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi tạo việc làm, nâng cao đời sống.
Cũng tại Hội thảo, Bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đã giới thiệu các quy định, chính sách liên quan đến NKT. Trong đó nhấn mạnh Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1190/QĐ- TTg ngày 05/8/2020, với chỉ tiêu hàng năm có khoảng 80% (90%) NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% (80%) trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh; khoảng 50.000 (70.000) trẻ em và NKT được phẫu thuật, phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ trợ giúp phù hợp... Đồng thời đánh giá cao các mô hình trợ giúp NKT và mong muốn được kết nối, phối hợp để cụ thể hóa, xây dựng các tài liệu chia sẻ và nhân rộng. Đối với các tổ chức, hội của và vì NKT,  tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng những mô hình hay như mô hình khởi nghiệp trên cơ sở những góp ý của các đại biểu, trong đó cần quan tâm nhiều đến việc kết nối các mô hình, chuỗi giá trị sản phẩm, tài chính vi mô hay phòng chống thiên tai... để làm tốt hơn nữa các mô hình trợ giúp NKT.
 Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm sống độc lập Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo
Chia sẻ giải pháp nhà tiếp cận cho NKT, bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm sống độc lập Hà Nội cho biết, đối với NKT vận động sử dụng nạng, đòi hỏi sân, sàn nhà bằng phẳng, lát bằng gạch chống trơn, đặc biệt là sàn nhà tắm. Trước cửa nhà không có hoặc ít bậc tam cấp; bậc thềm và cầu thang cũng bằng vật liệu chống trơn. Nhà vệ sinh, bồn tắm và bồn vệ sinh yêu cầu phải có tay vịn. Đối với NKT sử dụng xe lăn: Theo quy chuẩn của Bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 2014, không có bậc trong mọi khu vực của ngôi nhà; cửa rộng 70-80cm; nhà tắm rộng đủ để cho xe lăn đi vào và di chuyển theo tiêu chuẩn 1,5m x 1,5m; bồn tắm nông và có gờ rộng để ngồi; nếu là phòng tắm vòi sen, cần có ghế tắm gắn vào tường hoặc có thể di chuyển được; bồn rửa mặt thấp và không có bo phía trước. Với người khiếm thị, người mù dùng gậy dò đường, nếu là nhà chung cư: Tên tòa nhà, sơ đồ nhà ở vừa tầm tay, có chữ nổi hoặc in nổi; có đường dẫn đến cửa thang máy; nút bấm thang máy có chữ nổi, trong thang máy có âm thanh thông báo tầng, cửa đóng, cửa mở, đi lên hay đi xuống; mỗi tầng đều có chữ nổi trên tay vịn cầu thang bộ thông báo số tầng; cột hay bờ tường đều phải vát tròn. Còn với người khiếm thính, sàn nhà phải lát gạch trống trơn, khu vệ sinh được khép kín; xung quanh nhà có chỗ nguy hiểm như hố nước, bờ ao, cần xây bờ tường hoặc rào chắn; các cột tròn hoặc vuông vuốt tròn cạnh; cùng với đó thềm nhà các góc cũng được vuốt tròn.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các đại diện đến từ các cơ quan chức năng, các tổ chức hội của và vì người khuyết tật cùng doanh nghiệp trình bày tham luận về mô số mô hình trợ giúp người khuyết tật như: Giải pháp nhà tiếp cận của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội; mô hình phòng chống thiên tai đối với NKT của Trung tâm Chính sách và kỹ thuật phòng chống thiên tai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mô hình tổ chức xã hội của người khuyết tật phối hợp với doanh nghiệp tạo việc làm phù hợp và ổn định đối với người khuyết tật của Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội; mô hình sinh kế/việc làm dành cho người khuyết tật của Tokyo Life; mô hình khởi nghiệp cho thành niên khuyết tật của Hội vì sự tiến bộ của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình./.
Hồng Phượng