Xã hội
Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018: Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em
03:25 PM 27/05/2018
(LĐXH) - Ngày 27/5/2018, tại TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chính thức phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em”.
Đến dự có các đồng chí: Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH; Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ Y tế;  Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ; đại diện các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tổ chức trong nước và quốc tế cùng sự tham gia của 350 trẻ em Phú Thọ đại diện cho 26 triệu trẻ em trên toàn quốc.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ: Để phát triển toàn diện, trẻ em phải được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Diễn đàn trẻ em thế giới năm 2002 đã gửi đến thông điệp đầy ý nghĩa: Chúng em muốn một thế giới phù hợp với trẻ em, vì một thế giới phù hợp với trẻ em cũng đồng thời phù hợp với tất cả mọi người”. Tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về trẻ em lần thứ hai của Đại hội đồng Liên hợp quốc về trẻ em, các lãnh đạo của 184 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi trẻ em trên toàn thế giới thông qua việc thực hiện Kế hoạch hành động xây dựng một thế giới phù hợp với trẻ em. Thực hiện cam kết đó, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và huy động mọi nguồn lực để công tác trẻ em ngày càng được chăm lo, bảo vệ tốt hơn. Trong đó, Tháng Hành động vì trẻ em thường xuyên được tổ chức từ hơn 20 năm qua cũng là một minh chứng về sự chung tay của toàn xã hội góp phần thực hiện các quyền trẻ em tốt hơn, thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Bên cạnh những nỗ lực và thành công đó, môi trường sống của trẻ em cũng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Còn theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, những năm gần đây, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách; triển khai các giải pháp, mô hình quản lý và dịch vụ công để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; đồng thời giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Các bộ, ngành, tổ chức và chính quyền các địa phương đã chủ động hơn trong chăm lo cho trẻ em.
Các đại biểu tặng quà và học bổng của Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam cho 60 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Phú Thọ.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, hiện tượng bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó có vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, trẻ em bị tử vong do đuối nước, do tai nạn giao thông vẫn xảy ra thường xuyên. Bạo lực trẻ em trong trường học, ở cộng đồng, xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em và gia đình, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Số lượng vụ việc cũng như tính chất các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nguy hiểm, manh động vì đối tượng xâm hại, bạo lực các em có thể là người thân, người quen, thậm chí là ruột thịt và nạn nhân bao gồm cả trẻ nữ và nam, tuổi đời rất nhỏ. Hơn hết, môi trường sống của trẻ ngày càng trở nên không an toàn từ gia đình, nhà trường, nơi công cộng… Thực tế, bạo lực đối với trẻ em không chỉ vấn đề riêng của gia đình mà sẽ kìm hãm sự phát triển của quốc gia.
Thống kê của Bộ Lao động – TBXH cho thấy, mỗi năm vẫn còn hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện; trẻ em bị tử vong do đuối nước và nhiều tai nạn do sự vô tình của người lớn gây ra. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng hiện nay và thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó công nghệ thông tin, Internet đã làm thay đổi cuộc sống của nhân loại. Ở nước ta, hơn 1/3 số người sử dụng Internet là người chưa thành niên và thanh niên, môi trường mạng bên cạnh những thành tựu mang lại cho nhân loại cũng đang dần thể hiện rõ mặt trái với đầy rẫy những rủi ro, nguy hại cho trẻ em nếu chúng ta – gia đình, cộng đồng, các cơ quan quản lý không có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà tặng quà cho các em
Trước thực tế này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, nhà trường, xã hội cũng như các tổ chức có liên quan về trẻ em phải hành động và quyết tâm nỗ lực nhiều hơn nữa để trẻ em được chăm sóc, được quan tâm, được giáo dục nhiều hơn, được sống, vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh hơn. “Từ thông điệp “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”, mỗi chúng ta đều có thể góp phần tạo lập môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em bằng chính tình yêu thương, trách nhiệm của mình, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành đoàn thể, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn, chỉ đạo sát sao để Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật về trẻ em được thực thi hiệu quả; nỗ lực tổ chức các hoạt động phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em; tổ chức diễn đàn trẻ em các cấp; các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em; cũng chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà, cấp học bổng, hỗ trợ phẫu thuật các dị tật, các bệnh hiểm nghèo ở trẻ em, nhất là cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các em thiếu nhi
Cũng tại lễ phát động, Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam Youssouf Abdel-Jelil đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã hoàn thành khung pháp lý để bảo vệ trẻ em trong thời gian qua như việc ban hành Luật trẻ em 2016, ra mắt Ủy ban Bảo vệ trẻ em, Tổng đài quốc gia bảo vê trẻ em 111. Riêng đối với vấn nạn xâm hại, bạo lực trẻ em, theo Trưởng đại diện UNICEFF, Việt Nam cần tăng cường nhân viên công tác xã hội. Đồng thời, tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính đầu tư cho trẻ em. Và điều quan trọng là có cơ chế hiệu quả để báo những vụ việc trẻ em để đảm bảo tất cả các vụ việc liên quan đến trẻ em được xử lý kịp thời, tuân thủ pháp luật và vì lợi ích của trẻ. Khuyến khích các em tìm các nguy cơ có thể xảy ra đối với mình và gọi điện đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 khi cần thiết. UNICEF cam kết sát cánh cùng chính phủ và các em để lên tiếng và xử lý nghiêm những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em.
Các em thiếu nhi với các thông điệp bảo vệ trẻ em
Nhân dịp này, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tặng quà và học bổng cho 60 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Phú Thọ. Cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh và các đại biểu đến thăm, tặng quà các em nhỏ tại Làng trẻ em SOS Việt Trì.
Đăng Doanh